CEO Telegram Pavel Durov trong bài đăng mừng năm mới 2025 đã đưa ra bình luận rằng, người Nga có nhiều quyền tự do truyền thông trên Telegram hơn công dân EU.
Theo ông, châu Âu dù liên tục tuyên bố về quyền tự do ngôn luận và tiếng nói truyền thông nhưng liên tục áp đặt trừng phạt lên các kênh truyền thông Nga và các nền tảng mạng xã hội xuất phát từ Nga.
Ông Durov cho biết, EU áp đặt nhiều hạn chế truyền thông đối với Telegram hơn là Nga.
“Việc tiếp cận một số phương tiện truyền thông Nga đã bị hạn chế tại EU theo luật DSA/trừng phạt. Trong khi đó, tất cả các kênh Telegram của phương tiện truyền thông phương Tây vẫn có thể truy cập tự do tại Nga” - ông Durov viết trên nền tảng Telegram vào ngày cuối cùng của năm 2024, ám chỉ Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của EU.
“Ai có thể nghĩ rằng vào năm 2025, người dùng Telegram ở Nga sẽ được hưởng nhiều quyền tự do hơn người châu Âu?” - ông viết thêm.
EU đã áp đặt lệnh trừng phạt toàn diện đối với phương tiện truyền thông Nga sau khi xung đột Ukraine leo thang vào năm 2022. Các kênh như RT, Sputnik và RIA Novosti đều đã bị cấm trên toàn khối, trong khi nhân viên của họ đã bị trừng phạt.
Vì các quốc gia thành viên riêng lẻ được giao nhiệm vụ buộc các nhà cung cấp web thực thi các lệnh cấm này, nên việc áp dụng chúng đã được thực hiện theo từng quốc gia và nền tảng.
Tính đến ngày 29/12/2014, các kênh RIA Novosti, Izvestia, Rossiya 1, Channel One, NTV và các kênh truyền thông lớn khác của Nga được báo cáo là không thể truy cập được trên Telegram ở nhiều quốc gia, bao gồm Ba Lan, Bỉ, Pháp, Hà Lan, Hy Lạp, Ý và Cộng hòa Séc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trong một tuyên bố phản hồi về hành động này: "Chúng tôi coi hành động kiểm duyệt chính trị mới này của các quốc gia phương Tây tân tự do là một sự chính thức hóa đường lối của họ nhằm đàn áp mọi biểu hiện bất đồng chính kiến.
Phía Nga chắc chắn sẽ đáp trả những cuộc tấn công này và các cuộc tấn công tương tự khác vào các cơ quan truyền thông Nga".
Bài đăng của Durov vào thứ Ba là tuyên bố đầu tiên của ông về vấn đề này. Ông đã phải đối mặt với những thách thức pháp lý đáng kể trong năm nay. Doanh nhân người Nga, cũng là công dân của Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis, đã bị bắt giữ sau khi hạ cánh tại một sân bay ở Paris vào tháng 8 và được tại ngoại sau vài ngày. Ông phải đối mặt với 12 cáo buộc hình sự, bao gồm cả tội đồng lõa trong việc phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy và rửa tiền.
Các công tố viên Pháp tuyên bố rằng các quy tắc kiểm duyệt lỏng lẻo của Telegram đã tạo điều kiện cho tội phạm tràn lan phát triển trên nền tảng này.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov bình luận sau vụ bắt giữ CEO Telegram rằng: "Phương Tây không hề nương tay" khi xử lý các nền tảng trực tuyến như Telegram.