RT dẫn tuyên bố từ nhóm tin tặc EvilWeb, tự nhận là từ Nga, đã nhận trách nhiệm trong vụ hack một loạt các trang điện tử Chính phủ Pháp, bao gồm cả trang web của Cơ quan an ninh mạng Quốc gia.
Kênh Telegram Baza trước đó đã báo cáo trang web của Cơ quan an ninh mạng Pháp đã không thể truy cập được vào ngày 26/8.
Cơ quan an ninh mạng Pháp được cho là đơn vị đang điều tra vụ án của nhà sáng lập và CEO Telegram Pavel Durov. Doanh nhân công nghệ người Nga này có thể phải đối mặt với hàng chục cáo buộc vì cho phép tội phạm mạng và buôn bán ma túy sử dụng ứng dụng nhắn tin của mình mà không bị trừng phạt.
EvilWeb viết trên kênh Telegram của mình: “Đơn vị mạng quốc gia Pháp sẽ ngừng hoạt động. Pháp, các bạn thực sự tin tưởng một cơ quan như vậy để tiến hành điều tra sao?”
Trong thông điệp tiếp theo vào thứ Ba, nhóm này cho biết mặc dù không hoàn toàn hài lòng với quy mô của cuộc tấn công, họ sẽ tiếp tục hành động, nhằm mục đích gây ra "thiệt hại tối đa cho nước Pháp" và "bảo vệ" Durov.
Sau vụ bắt giữ tỷ phú người Nga, tờ báo Le Parisien đưa tin rằng gần chục trang web khác của chính phủ Pháp cũng đã bị tấn công Từ chối dịch vụ phân tán (DDoS), nhằm mục đích khiến máy chủ không thể truy cập được bằng cách quá tải dữ liệu.
Theo truyền thông Pháp, những cuộc tấn công đó cũng được cho là do các nhóm tin tặc Nga hoặc thân Nga thực hiện và nhắm vào các trang web của Cơ quan Dịch vụ Công cộng Pháp, Cơ quan An toàn Dược phẩm Quốc gia, tờ báo La Voix du Nord cũng như các trang web khác của chính phủ.
Theo nguồn tin này, trích dẫn lời các chuyên gia an ninh mạng, các cuộc tấn công dự kiến sẽ gia tăng và tiếp tục trong vài ngày tới.
Trong một phản ứng từ chính quyền Moscow, Bộ Ngoại giao Nga đã đánh giá quan hệ Nga- Pháp trở nên mức xấu sau vụ bắt giữ người đàn ông này.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết mối quan hệ giữa Moscow và Paris đã xuống mức thấp nhất, đánh dấu nhiều tháng quan hệ xấu đi giữa hai nước. Bình luận được đưa ra sau thông tin cho thấy CEO Telegram đã bị gia hạn tạm giữ hình sự đến ngày 28/8.
Người phát ngôn của văn phòng công tố Paris cho biết lệnh giam giữ Durov đã được gia hạn thêm 48 giờ vào cuối ngày thứ Hai. Sau đó, các công tố viên sẽ phải buộc tội hoặc thả anh ta.
Nếu anh ta phải đối mặt với các cáo buộc, tình trạng nguy cơ bỏ trốn của anh ta là một yếu tố mà các thẩm phán phải đưa vào đánh giá của họ về khả năng giam giữ trước khi xét xử, theo luật của Pháp.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời các phóng viên trong cuộc họp qua điện thoại hôm thứ Ba rằng Nga sẵn sàng cung cấp cho Durov mọi hỗ trợ cần thiết vì anh là công dân Nga, nhưng việc anh là công dân Pháp đã làm phức tạp thêm tình hình. CEO Telegram Durov cũng có hộ chiếu UAE.
"Những cáo buộc này thực sự rất nghiêm trọng. Chúng đòi hỏi một cơ sở bằng chứng không kém phần nghiêm trọng. Nếu không, chúng sẽ là một nỗ lực trực tiếp nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận" - ông Peskov khẳng định.
Theo thông cáo báo chí do Văn phòng Công tố Paris ban hành hôm 26/8, CEO Telegram Durov đã bị bắt tại Sân bay Le Bourget của Pháp vào thứ Bảy tuần trước "có liên quan đến cuộc điều tra tư pháp" được khởi xướng vào ngày 8 tháng 7.
Cuộc điều tra do Cơ quan An ninh mạng Quốc gia Pháp mở ra đối với một cá nhân giấu tên, bao gồm nhiều cáo buộc như đồng lõa buôn bán ma túy, gian lận, rửa tiền và phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em.
Trong khi đó, Telegram khẳng định rằng ứng dụng này tuân thủ luật pháp EU, bao gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số, và lưu ý rằng "các hoạt động kiểm duyệt của ứng dụng này phù hợp với các tiêu chuẩn của ngành".
Công ty nói thêm rằng "thật vô lý khi tuyên bố rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nền tảng đó phải chịu trách nhiệm cho việc sử dụng sai mục đích nền tảng đó".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người được biết đến là người dùng ứng dụng này thường xuyên, đã nói rằng vụ bắt giữ "hoàn toàn không phải là một quyết định chính trị".