Cây 'thoát nghèo' ở Tràng Định

GD&TĐ - Nhiều năm trở lại đây, một trong những cây trồng giúp bà con huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn thoát nghèo, cải thiện cuộc sống là cây quế.

Người nông dân xã Tân Tiến chăm sóc cây quế. Ảnh Mai Linh.
Người nông dân xã Tân Tiến chăm sóc cây quế. Ảnh Mai Linh.

Hiện nay, tổng diện tích cây quế được trồng ở trên địa bàn huyện là 6000 héc ta.

Cải thiện cuộc sống

Anh Hoàng Văn Đại (ở thôn Khuổi Cù, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn), là một trong những gia đình đang sở hữu 4 héc ta diện tích trồng quế. Nhờ cây quế đã giúp gia đình anh cải thiện cuộc sống, con cái được học hành đầy đủ. “Đặc biệt, gia đình tôi thoát cảnh nghèo đeo bám nhờ nguồn thu nhập từ cây quế”, anh Đại nói.

Trước đó, gia đình anh chủ yếu trồng cây bạch đàn, cây keo… tuy nhiên do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng quá trình trồng những loại cây cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Khi thấy ngành nông nghiệp có tuyên truyền về các giống cây mới như hồi, quế, anh Đại và nhiều hộ dân trong xã đã quyết định thay đổi cây trồng.

“Mình quyết định lựa chọn cây quế thay thế cây bạch đàn đang trồng bởi trước đó bố mình cũng có trồng 4-5 cây thấy rất ít sâu bệnh, công chăm sóc không quá nhiều và quanh năm xanh tốt.

Bên cạnh đó, mình cũng nghiên cứu về đầu ra, nhu cầu của thị trường về các sản phẩm từ quế do vậy đã quyết định trồng quế. Năm 2010, mình bắt tay vào trồng cây quế".

Quế được người dân thu hoạch và mang về phơi.

Quế được người dân thu hoạch và mang về phơi.

Anh Đại chia sẻ: “Khí hậu, thổ nhưỡng ở quê mình khá hợp với cây quế do vậy khá thuận lợi trong việc trồng, chăm sóc. Mới đầu, mình cũng lo lắng khi đưa cây quế vào trồng một diện tích lớn như thế này nếu thất bại thì rất khó khăn không thoát được nghèo mà thậm chí còn nghèo hơn. Giai đoạn này, mình ăn ngủ cùng với quế. Lên mạng tìm tài liệu, nghiên cứu các kỹ thuật trồng chăm sóc theo từng giai đoạn phát triển của cây. Ngoài ra còn tích cực tham gia các lớp tập huấn do ngành nông nghiệp tổ chức giúp thì mình tự tin hơn. Đồng thời, quá trình trồng cây quế mình tuân thủ nghiêm các yêu cầu kỹ thuật về cắt, tỉa cành, bón phân để hạn chế được sâu bệnh bệnh”.

6 năm miệt mài chăm sóc, năm 2016 vườn quế nhà anh Đại được thu hoạch vụ mùa đầu tiên.

“Tuy lúc đó sản lượng chưa nhiều, số tiền thu về chưa cao nhưng so với các loại cây trồng trước đó thì giá trị kinh tế cao hơn. 6 năm qua, cây quế chính là cây chủ lực kinh tế của gia đình mình”, anh Đại cho biết.

Theo như chia sẻ của anh Đại, cây quế thu hoạch vào giai đoạn tháng 4 đến tháng 6. Với tổng diện tích 4 héc ta hằng năm gia đình anh Đại thu về hơn 2 tấn sản phẩm từ cây quế với tổng thu nhập từ 80 đến 100 triệu mỗi năm. Hiện nay, mỗi kg quế bán ra thị trường giao động từ 50 nghìn đồng đến 56 nghìn đồng.

“Nhờ cây quế, mà cuộc sống gia đình tôi được cải thiện đặc biệt nguồn thu nhập từ quế giúp tôi có thể đầu tư cho con cái học hành tốt hơn. Không chỉ tôi mà rất nhiều hộ gia đình ở quê tôi đã thoát nghèo nhờ cây quế”, anh Đại phấn khởi chia sẻ.

Xu hướng sản xuất sản phẩm tinh dầu

Nhiều năm qua, để tăng năng suất cũng như giá trị của nông sản ngành Nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn đã tập trung hướng dẫn, tập huấn cho bà con nông dân về các công nghệ sản xuất nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, tạo chỗ đứng vững chắc cho thị trường.

Ông Lý Việt Hưng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh Ngô Chuyên.

Ông Lý Việt Hưng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh Ngô Chuyên.

Đồng thời, đối với những giống cây kém năng suất ngành Nông nghiệp luôn tìm cách phương án khắc phục, đưa những giống cây mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn để thay thế.

Và một trong những giống cây được ngành Nông nghiệp Lạng Sơn chú trọng để phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo là quế. Và một trong những huyện đã thành công nhờ mô hình trồng quế, giúp người dân thoát nghèo là Tràng Định.

Theo chia sẻ của ông Lý Việt Hưng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Hiện nay, tổng diện tích cây quế ở huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn có hơn 6000 héc ta. Hiện rất nhiều hộ gia đình ở huyện Tràng Định đã thoát nghèo, cải thiện được cuộc sống nhờ cây quế. Từ những giá trị thu được, đã thay đổi được tư duy, suy nghĩ sản xuất của người dân.

Đặc biệt, người dân đã thay đổi tư duy trồng và chăm sóc đặc biệt chú trọng đến các kỹ thuật như tỉa cành, bón phân theo quy trình kỹ thuật hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để cây hạn chế tối đa bị sâu bệnh phá hoại, giảm năng suất, chất lượng khi thu hoạch nhờ vậy mà năng suất, chất lượng sản phẩm cũng tăng lên đáng kể”.

Ông Hưng cũng cho biết thêm, hiện nay cây quế, hồi đang là cây chủ lực để phát triển kinh tế ở Tràng Định do đó thay vì bán sản phẩm thô. Lạng Sơn đang chuẩn bị xây dựng nhà máy quế, hồi ở Tràng Định nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ hai loại cây này, đáp ứng nhu cầu của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng.

“Đây là một trong những bước đi mạnh mẽ, tăng giá trị của sản phẩm đồng thời khẳng định thương hiệu, chỗ đứng của nông sản ở Lạng Sơn với thị trường với người tiêu dùng. Bên cạnh đó cũng tăng giá trị sản phẩm nâng cao được cuộc sống của người dân”, ông Hưng nhấn mạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.