Công nghệ trồng sâm phi nông nghiệp

GD&TĐ -Không cần phải đưa giống sâm lên núi cao, trong rừng thẳm, GS.TS Nguyễn Minh Đức, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TPHCM đã đưa cây sâm Việt Nam vào trồng đại trà mà vẫn cho thành phần hoạt chất saponin cao.

GS.TS Nguyễn Minh Đức (trái) trong vườn trồng sâm ở Lâm Đồng.
GS.TS Nguyễn Minh Đức (trái) trong vườn trồng sâm ở Lâm Đồng.

Làm nhà trồng sâm

GS.TS Nguyễn Minh Đức cùng các cộng sự tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN) thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu sự tích lũy hoạt chất saponin theo tuổi cây và ứng dụng vào sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao từ sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha et Grushv. – Araliaceae) trồng tại Lâm Đồng”.

GS.TS Nguyễn Minh Đức cho biết, được phát hiện vào năm 1973, và nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng dược lý đã chứng minh sâm Việt Nam có tác dụng trên thần kinh trung ương, tăng sinh lực và tăng cường các hoạt động của não bộ, tăng nội tiết sinh dục, tăng sức đề kháng, miễn dịch, bảo vệ gan, chống ung thư. Sâm Việt Nam cũng có tác dụng phục hồi các rối loạn bệnh lý gây bởi stress tâm lý, đồng thời có tác dụng hiệp lực với các thuốc hạ đường huyết, hạ cholesterol…

Tuy nhiên, việc trồng sâm Việt Nam có nhiều khó khăn, tản mát, đa phần phụ thuộc vào khai thác trong tự nhiên. Chưa kể sâm Việt Nam vẫn chủ yếu được sử dụng ở dạng đơn giản như nước sắc, rượu thuốc vốn mất nhiều thời gian chế biến, dạng dùng không tiện dụng, quá trình bào chế theo phương pháp thủ công không đảm bảo chất lượng sản phẩm.

GS.TS Nguyễn Minh Đức và cộng sự đã di thực cây sâm Việt Nam để trồng ở Lâm Đồng. Ông gieo trồng sâm Việt Nam trên đất bằng với mái che nhân tạo chứ không đưa sâm vào trồng dưới các tán rừng như cách thường thấy.

Kết quả thật bất ngờ, cây có tỉ lệ sống, ra hoa, đậu quả trên 85%. Cây trồng 3 năm tuổi bắt đầu cho hoa, quả. Từ năm thứ tư, tỷ lệ cho quả cao hơn. Sự tích lũy saponin có xu hướng tăng theo năm tuổi cây.

Kết quả kiểm nghiệm sâm Việt Nam 6 tuổi trồng tại Lâm Đồng của Viện Kiểm nghiệm Thuốc TPHCM cho thấy tổng hàm lượng 5 saponin (G-Rb1, G-Rd, G-Rg1, M-R2 và V-R2) là 13,2% và hàm lượng M-R2 là 6,3%. Phương pháp này có thể mở rộng ra các địa phương có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tương tự để tạo ra nguồn cung sâm Việt Nam lớn phục vụ cho việc phát triển thị trường.

Biến sâm thành sản phẩm tiện dụng

4 sản phẩm từ sâm của GS.TS Nguyễn Minh Đức ra đời sau những miệt mài nghiên cứu. Từ bột dược liệu, nhóm đã bào chế cao lỏng sâm Việt Nam bằng hệ thống chiết xuất đun hồi lưu. Cao lỏng có thể chất đặc sánh, màu nâu đen, mùi thơm đặc trưng, vị rất đắng, đồng nhất, không có váng mốc, không có cặn bã và vật lạ.

Bằng nguồn cao lỏng sâm Việt Nam thu được, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã kết hợp với một số nguyên liệu khác để bào chế nên bột chiết chứa 20% cao lỏng sâm Việt Nam (độ ẩm 2,14%). Hiệu suất bào chế đạt 86,67%.

Bột chiết có thể chất khô tơi, màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng, vị đắng nhẹ, đồng nhất, không có cặn bã và vật lạ. Sau khi hòa với nước, dung dịch có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, vị đắng nhẹ, đặc trưng của sâm Việt Nam. Tổng hàm lượng 5 saponin trong sản phẩm là 2,4% và hàm lượng M-R2 là 1,2%.

Để bào chế sâm Việt Nam tẩm mật ong, nhóm thực hiện nhiệm vụ dùng rễ củ sâm Việt Nam tươi. Sâm Việt Nam tẩm mật ong được làm chín trong quá trình chế biến tạo cảm giác mềm khi nhai, mùi vị dễ dùng, không để lại bã trong miệng, giảm lượng mật ong sử dụng trong chế phẩm nên được sử dụng tốt cho người bị tiểu đường nhưng vẫn giữ được mùi thơm của sâm và mật ong, đặc biệt là vị ngọt của mật.

Thể chất các lát sâm mềm, dẻo, màu nâu đen, có mùi thơm đặc trưng, có vị đắng đặc trưng và vị ngọt của mật ong, không có váng mốc và vật lạ.

Trà hòa tan sâm Việt Nam (độ ẩm 2,29%), được bào chế từ cao lỏng sâm Việt Nam kết hợp với tá dược. Hiệu suất bào chế đạt 89,96%. Trà có thể chất khô tơi, màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng, vị đắng nhẹ, đồng nhất, không có cặn bã và vật lạ.

Sau khi hòa với nước, dung dịch có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, vị đắng nhẹ, đặc trưng của sâm Việt Nam. Tổng hàm lượng 5 saponin trong sản phẩm là 2,9% và M-R2 là 1,5%.

“Cả 4 sản phẩm đều có tiêu chuẩn cơ sở khoa học chặt chẽ, được thẩm định bởi Viện Kiểm Nghiệp thuốc TPHCM, đạt chất lượng cao trong phát huy tác dụng bảo vệ sức khỏe và điều trị bệnh”, GS.TS Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Về hướng phát triển tiếp theo, nhóm nghiên cứu mong muốn được tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để nâng tầm sản xuất ở quy mô công nghiệp, phục vụ thương mại hóa hoặc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp có nhu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ