Cây 'ma' sống không cần quang hợp

GD&TĐ - Không chứa chất diệp lục, không cần ánh sáng Mặt trời, cây bóng ma ẩn sâu trong những khu rừng u tối ở châu Phi và châu Á.

Cây bóng ma có màu trắng đục.
Cây bóng ma có màu trắng đục.

Chúng sinh sôi nhờ sống ký sinh vào nấm rễ và hút chất dinh dưỡng từ vật chủ.

Phát triển trong khu rừng u tối

Khi đi dạo trong những khu rừng tối tăm ở châu Mỹ và châu Á từ tháng 6 đến tháng 9, người ta có thể bắt gặp cây bóng ma (tên khoa học là Monotropa Uniflora), còn được gọi là cây tẩu thuốc Ấn Độ hoặc cây tẩu thuốc ma. Loài cây này có màu trắng nhờ ma quái, rất dễ nhầm lẫn với nấm vì sắc trắng kỳ lạ của nó. Chúng là loại cây thân thảo lâu năm cao từ 10 đến 30 cm.

Cây bóng ma thường xuất hiện thành chùm, mọc gần những gốc cây chết. Vì chúng rất mỏng manh và trông giống như thạch đông lạnh, cây bóng ma đôi khi còn được gọi là cây băng. Thân cây được bao phủ bởi những chiếc lá đã biến đổi trông như vảy, được gọi là lá bắc. Khi trưởng thành, thân cây có thể có màu nâu sẫm và đốm đen.

Cây bóng ma không chứa chất diệp lục và không thể tạo ra năng lượng từ Mặt trời như hầu hết các loài cây khác. Vì không cần phụ thuộc vào ánh sáng của Mặt trời để phát triển nên cây bóng ma có thể lớn mạnh trong bóng tối ở những khu rừng cổ xưa.

Hoa của cây bóng ma có 5 cánh, thường mọc rủ xuống mặt đất. Sau khi được thụ phấn bởi côn trùng, nó mọc hướng thẳng đứng với thân cây. Ong nghệ là loài thụ phấn điển hình và chúng nhận được một ít mật và phấn hoa ngọt ngào như một phần thưởng cho việc thụ phấn.

Bộ rễ của cây bóng ma giòn và nhiều chất dinh dưỡng. Chúng là món ăn yêu thích của gấu xám. Những con vật này thường đào rễ cây bóng ma làm món ăn nhẹ.

Cây bóng ma thuộc họ Ericaceae, còn được gọi là thạch nam hay đỗ quyên. Họ này gồm hơn 4 nghìn loài đã biết trong đó có những thành viên nổi tiếng như việt quất xanh và nam việt quất. Màu nhạt và kết cấu thân chắc của cây bóng ma thường khiến nhiều người lầm tưởng rằng loài thực vật này là nấm.

Thực tế, chúng không phải nấm nhưng nấm đóng một vai trò quan trọng trong cách cây bóng ma lấy chất dinh dưỡng. Điều này dẫn chúng ta đến hành vi đáng sợ của nó.

Hút chất dinh dưỡng từ vật chủ

Chúng hút chất dinh dưỡng từ nấm rễ để phát triển.

Chúng hút chất dinh dưỡng từ nấm rễ để phát triển.

Cây bóng ma là một trong khoảng 3 nghìn loài thực vật dị dưỡng cần hấp thụ chất dinh dưỡng từ các nguồn bên ngoài và sinh vật dị dưỡng làm điều đó theo những cách rất kỳ lạ.

Các loài thực vật ăn côn trùng như bẫy ruồi Venus, Pinguicula, cây gọng vó và nắp ấm bắt và tiêu hóa bọ để lấy dưỡng chất. Thực vật ký sinh như cây tơ hồng hút chất dinh dưỡng từ cây chủ.

Giống như cây tơ hồng, cây bóng ma là một loài ký sinh và nó thiếu chất diệp lục cần thiết để tự tạo thức ăn từ ánh sáng Mặt trời. Cây bóng ma từng được cho là một loài hoại sinh, có nghĩa là thực vật hoặc nấm ăn xác chết hoặc vật chất thối rữa. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng thay vì ăn vật chất thối rữa, chúng giống như những con “ma cà rồng” hút chất dinh dưỡng từ loài khác, trong trường hợp này là nấm.

Đó là nấm rễ sống xung quanh gốc cây trong rừng sâu tối tăm, nơi tìm thấy cây bóng ma. Trên thực tế, hầu như tất cả các loài thực vật trên cạn đều có rễ bị nhiễm nấm rễ. Chúng sống trong một mối quan hệ được gọi là cộng sinh tương hỗ.

Thông qua quá trình quang hợp, cây chứa chất diệp lục sẽ sử dụng năng lượng Mặt trời để chuyển đổi carbon dioxide thành đường và các chất dinh dưỡng khác. Những chất dinh dưỡng này được cây chủ cung cấp cho nấm qua rễ.

Đến lượt nấm, nó cung cấp nước và khoáng chất cho cây. Thông qua mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi”, các chất dinh dưỡng do một cây chủ tạo ra có thể được chia sẻ cho các thực vật khác thông qua mạng lưới nấm hoạt động ngầm dưới lòng đất. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa nấm rễ và cây bóng ma không phải sự cộng sinh hữu ích này.

Mối quan hệ giữa cây bóng ma và nấm giống như ký sinh trùng và vật chủ vì cây bóng ma không đem lại cho nấm bất cứ lợi ích gì. Nó chỉ cố hút hết dưỡng chất và năng lượng từ nấm giống như ký sinh trùng vì nó không chứa chất diệp lục và không thể quang hợp.

Thông thường, khi một ký sinh trùng bám vào vật chủ, vật chủ sẽ chống lại nhưng bằng một cách nào đó mà giới khoa học chưa phát hiện ra, cây bóng ma đã lừa nấm rằng mối quan hệ giữa chúng là cộng sinh. Từ đó, chúng có thể thoải mái hút chất dinh dưỡng từ nấm rễ để phát triển.

Qua quá trình thụ phấn, cây bóng ma phát tán hàng nghìn hạt cực nhỏ ra ngoài không gian. Những hạt này lắng xuống đất, bám vào nấm rễ và bắt đầu hút chất dinh dưỡng của nó để phát triển. Sau đó, nó mọc lên thành cây mới và tiếp tục bấu víu vào quá trình sống ký sinh này.

Khi cây chủ quang hợp, nấm rễ hút chất dinh dưỡng từ rễ cây còn cây bóng ma hút chất dinh dưỡng từ nấm. Hành vi “ăn trộm” cho phép chúng phát triển khỏe mạnh trong bóng râm. Tuy nhiên, sau khi chết đi, cây bóng ma sẽ trả lại tất cả chất dinh dưỡng mà nó lấy từ vật chủ và nấm rễ cho mặt đất.

Cây bóng ma có thể rất mong manh nên việc nhân giống chúng ở nhà là không thể. Loài này hoàn toàn dựa vào điều kiện khí hậu ẩm ướt, tối tăm và “mối tình tay ba” giữa nó, nấm và cây chủ.

Nhiều nhà thám hiểm cho biết, cây bóng ma có thể ăn được. Người ta mô tả nó có vị khá nhạt nếu ăn sống nhưng nếu nấu chín, nó có vị giống như măng tây. Tuy nhiên, loài cây này chứa glycoside, một chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu ăn nhiều nên không thể sử dụng làm thức ăn.

Theo AAAS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ