back

Báo Giáo dục và Thời đại Online E-magazine
Những cây bonsai lâu đời nhất thế giới

Những cây bonsai lâu đời nhất thế giới

GD&TĐ -Trong nghệ thuật cây - hoa cảnh của thế giới, đẹp mà cũng kỳ diệu nhất bởi sự công phu, độc đáo là lối chơi bonsai của Nhật Bản.

Nghệ thuật bonsai xuất hiện từ thế kỷ thứ VI tại xứ sở Mặt trời mọc khi các nhà sư, đại sứ sang Trung Quốc thỉnh kinh đã tiếp thu nghệ thuật tạo non bộ - cây cảnh đặc sắc penjing (penzai) của Trung Hoa.

Các nghệ nhân Nhật Bản sau này chuyên tâm vào một đối tượng duy nhất là cây cối. Họ chăm chút để trồng được những cây thật bé mà lại già lão, ngoạn mục trông như một cây cổ thụ thật sự. Trong quá trình chăm sóc, họ cũng kìm sự phát triển của cây bằng cách tỉa cành, ít tưới nước.

Mỗi cái cây còn luôn được uốn nắn, tạo dáng tầng tầng lớp lớp hoặc phiêu bồng, nghiêng ngả hoặc lao vun vút lên bầu trời như một mũi tên. Chậu của cây cũng phải nông, để lộ ra gốc rễ to, nổi gân cuồn cuộn. Người trồng bonsai hiếm khi dùng nó để làm cây thuốc hay rau, quả ăn, mà chủ yếu nhằm trang trí, bày biện lâu ngày, cá biệt tới hàng trăm năm.

Có khá nhiều thế cây, dáng vẻ như trực thăng chokkan với cây mọc thẳng tắp biểu thị cho sự chính trực, hiên ngang của người quân tử. Thế cây xiên chéo shakan có thân mọc nghiêng so với mặt đất khiến ngọn lệch sang trái hay phải thể hiện cho sự dũng mãnh, tiến lên.

Huyền nhai kengai là một thế cây đổ xuống từ mép chậu như một dòng thác mang tới sự uyển chuyển, linh hoạt. Thế bạt phong fukinagashi là cây bị gió cuốn, tạt về một phía, oằn mình chống đỡ vươn lên bất phục…

Ngoài ra, nhiều cây còn có vẻ xương khô shari khi bị tróc vỏ gần hết, chỉ sót lại một vài mảng xanh tươi cho thấy nội lực và sức sống mãnh liệt. Tuy đa số cây trồng chậu nhưng nó cũng được ghép cả trên đá cho ra kiểu tọa sơn sekijoju. Rễ của thế cây này được quấn quanh các tảng đá hoặc tàng san ishizuke mà rễ xuyên qua các hang hốc.

Thông thường cây bonsai chỉ có một cây nhưng để tạo sự ấm áp, thơ mộng, ngày càng xuất hiện bonsai có song thân, đa thân hay rừng (nhiều cây). Mỗi chậu bonsai nói chung đều mang tính Thiền, ca ngợi sự thanh tĩnh, an hòa, nguyên sơ để tạo nên một không gian trong lành, vui vẻ, hạnh phúc giúp tập trung, thư giãn.

Mặc dù, cây nào cũng có thể trồng bonsai, song những cây lá kim, mảnh dẻ, dáng thon hay gầy, chịu được sự khô hạn, lạnh giá. Bonsai được chọn nhiều nhất phải kể tới là bách xù, thông đen, hoàng dương, tùng, sồi, đa, si, đề, phong, liễu, lựu…

Vì vẻ đẹp ấn tượng, kỳ lạ bên cạnh những chậu cây thật, từ thời Trung Cổ đã có khá nhiều tranh họa bonsai. Cổ nhất là bức tranh cuốn Saigyo Monogatari Emaki vào năm 1195 hay bức Ippen Shonin Eden (1299), Kasuga-gongen-genki (1309), Boki Ekotoba (1351)… Cũng từ thế kỷ 18, phong cách bonsai Nhật Bản đã đi khắp thế giới.

Và những cái cây tinh tế ấy đã được chăm sóc đặc biệt để rồi nhiều cái cây còn tồn tại đến giờ, trở thành những cây bonsai lâu đời nhất hành tinh. Cây có tuổi đời đứng đầu là cây đa hơn 1 nghìn tuổi tại Parabiago (Ý).

Nhật Bản cũng đang lưu giữ nhiều cây bonsai nghìn năm tuổi như cây bách đen ở Omiya (1 nghìn tuổi); cây thông 800 tuổi ở Tokyo, cây thông đỏ 600 tuổi ở Atami. Ở Mỹ hiện có cây thông Yamaki (392 tuổi) ở Washington D.C., cây bách Chabo-hiba (275 tuổi) ở Massachusetts…

Cây đa ở Ý có tên khoa học là Ficus retusa Linn (hàng trăm năm tuổi) được trưng tại Bảo tàng Bonsai Crespi. Cây đa này được ông Luigi Crespi - Giám đốc bảo tàng mua vào năm 1986, sau 10 năm đàm phán.

Cây được tạo hình bởi nghệ nhân bonsai người Nhật Shotaro Kawahara. Năm 1991, khi Bảo tàng Bonsai Crespi thành lập, nó đã được đặt trang trọng trong một cái tháp Phật thủy tinh và hóa thành trung tâm điểm của bảo tàng.

Theo Bonsai Gardener

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ