“Góp gió thành bão”
Xã miền núi biên giới Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An) là nơi chung sống của 5 dân tộc anh em Kinh, Tày, Thái, Mông và Khơ Mú. Do địa hình phức tạp, thiếu tư liệu sản xuất nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Toàn xã có 528 hộ thì có 262 hộ nghèo, 70 hộ cận nghèo.
Năm 2020, nhằm giúp đỡ người dân vươn lên trong cuộc sống, chính quyền xã Tam Hợp phát động và nhân rộng mô hình “Cây ATM 1.000 đồng” trên tinh thần “mình vì mọi người”.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức đóng góp 1.000 đồng/ngày vào quỹ. Cán bộ bán chuyên trách, đảng viên nông thôn, tổ chức, cá nhân đóng góp theo tinh thần tự nguyện. Từ huyện đến thôn có thùng quỹ đặt ở công sở, nhà văn hóa, hết tháng hoặc hết quý chi bộ cử người kiểm đếm công khai.
Bản Phà Lỏm, xã Tam Hợp có 126 hộ dân, chủ yếu người Mông, cuộc sống gắn liền với nương rẫy nên thu nhập thấp, cuộc sống rất khó khăn. Mọi chuyện dần thay đổi khi Huyện ủy Tương Dương nhân rộng mô hình “ATM 1.000 đồng” để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ neo đơn.
Từng sống trong căn nhà gỗ lợp mái tranh lụp xụp rộng chừng 50m2, ông Xồng Bá Lù (trú tại bản Phà Lỏm, xã Tam Hợp) vẫn chưa quên cảnh mưa bão, gió và nước mưa lùa qua từng phiến gỗ mục nát. Vì lo sợ nhà đổ sập, nhiều hôm ông phải chạy sang nhà hàng xóm để tá túc qua đêm. Cuộc sống kham khổ, thỉnh thoảng ông Lù mới tích góp được ít tiền mua thịt, cá nên không dám mơ ước đến việc xây nhà kiên cố.
May mắn thay, cuối năm 2022, gia đình ông Lù là 1 trong 2 hộ khó khăn ở bản Phà Lỏm được nhận hỗ trợ từ mô hình “ATM 1.000 đồng” để xóa nhà tranh tre dột nát với trị giá 30 triệu đồng. Chỉ sau vài tháng, căn nhà của ông được sửa sang hoàn chỉnh, tường được gia cố chắc chắn, mái lợp mái fibro xi măng, bên trong lát nền. Cán bộ còn hỗ trợ thêm tiền giúp ông Lù mua sắm được một số vật dụng sinh hoạt.
“Tôi có 3 người con đều trưởng thành, đi làm ăn xa. Cuộc sống một mình, nghèo khổ quen rồi nên không nghĩ đến việc sửa lại nhà. Cảm ơn cán bộ, cây ATM 1.000 đồng giúp đỡ những gia đình khó khăn như tôi vượt lên khó khăn”, ông Lù tâm sự.
Ông Xồng Bá Chớ - Trưởng bản Phà Lỏm cho biết, việc vận động đóng quỹ không khó, quan trọng là cách truyền đạt để mọi người hiểu được ý nghĩa. Nếu đóng đủ, một tháng mỗi người góp được 30.000 đồng cho công tác thiện nguyện.
Tuy nhiên, một số cán bộ cuộc sống cũng khó khăn, đông con nên không có tiền để hỗ trợ. 22 Đảng viên nhưng chỉ có khoảng 6 người thường xuyên đóng quỹ đều, còn lại thì tùy vào lòng hảo tâm, nộp vào giữa hoặc cuối năm.
“Hàng quý chi bộ sẽ thống kê quỹ để báo cáo lên xã. Để hỗ trợ một gia đình, cán bộ sẽ khảo sát cụ thể tình hình kinh tế của họ, sau đó đưa ra họp bỏ phiếu minh bạch, ưu tiên người già cả, neo đơn”, ông Chớ nói và cho hay thời gian tới sẽ cố gắng duy trì quỹ, đặt mục tiêu mỗi năm dựng được một nhà cho hộ nghèo.
Điểm sáng trong công tác dân vận
Trong khi đó, gia đình ông Kha Văn Ót (trú tại bản Văng Môn, xã Tam Hợp) thuộc hộ nghèo, trước đây thu nhập chủ yếu dựa vào trồng chuối trên nương rẫy nhưng nhiều lúc vẫn không đủ ăn, các khoản đóng nộp cho con ăn học phải vay mượn họ hàng.
Ba năm nay, từ lúc được chính quyền cấp cho 3 con lợn đen cùng nhiều gà giống, ông Ót tập trung chăm sóc và nhân giống, hàng năm đem bán có thêm vài chục triệu đồng.
“Cây ATM 1.000 đồng giúp gia đình tôi thoát nghèo. Hơn một năm nay, mỗi lúc bán được đàn gà hay con lợn đen, tôi đều trích một ít tiền lời vào quỹ xã hội hóa của bản để giúp những hoàn cảnh từng khổ như mình”, ông Ót chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp cho biết, không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cây ATM 1.000 đồng còn giúp gắn kết thêm khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở xã biên giới Tam Hợp để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Ngoài việc xóa nhà tranh tre dột nát, đến nay cây ATM 1.000 đồng còn góp tiền mua cây giống, vật nuôi như lợn đen, bò, dê, gà... để người dân phát triển sản xuất. 5 trẻ mồ côi trên địa bàn cũng được hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng từ quỹ, bắt đầu từ tháng 5/2023, giúp các em bớt thiệt thòi.
Nhìn lại những thành quả đạt được, ông Lương Bá Vin - Trưởng ban Dân vận huyện Tương Dương đánh giá, với khẩu hiệu “mỗi cán bộ, đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo”, mô hình cây ATM 1.000 đồng lan tỏa rất lớn, gắn kết người dân và chính quyền lại thành một khối.
“Thời gian đầu có vài người băn khoăn, lo chương trình đạt hiệu quả thấp, bởi mức đóng góp 30.000 đồng mỗi tháng là không nhiều. Nhưng tôi bảo cứ góp gió thành bão, với người nghèo thì một đồng hay mười đồng vẫn quý”, ông Vin kể.
Sau hơn 3 năm thực hiện, cây ATM 1.000 đồng với 252 chi bộ khối, bản, làng và các trường học, tổ chức công đoàn, đoàn thể thực hiện, thu về hơn 717 triệu đồng. Kinh phí trích từ nguồn quỹ này được dùng để hỗ trợ 289 hộ nghèo mua con giống (bò, dê, lợn), 135 hộ mua cây giống (lúa, ngô, sắn, rau đậu các loại), tặng 5 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, đỡ đầu 19 cháu mồ côi, tiếp sức đến trường cho 148 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
“Mấy năm nay, thấy nhiều gia đình được cải thiện sinh kế, thoát nghèo nhờ chương trình trên, những lo ngại về sự thiếu hiệu quả đã không còn. Hàng tháng khi chưa đến ngày phát động, nhiều Đảng viên đã tự động đến góp quỹ trước vì sợ để lâu tiêu hết. Thậm chí, có người còn ủng hộ thêm từ 50.000 - 100.000 đồng”, Trưởng ban Dân vận huyện Tương Dương cho hay.
Huyện miền núi Tương Dương nằm ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, với gần 58km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Địa phương có hơn 77.000 nhân khẩu, chủ yếu là người Thái, Khơ Mú, Mông, Tày,… cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn.