Những năm qua, đội ngũ đảng viên ở miền biên viễn A Xan (Nam Trà My, Quảng Nam) luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong công tác xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Họ từng bước giúp người dân vùng miền núi vươn lên thoát nghèo.
Khi Đảng và nhân dân đồng lòng
Cách đây khoảng 10 năm về trước, mảnh đất hơn 1.000m2 của chị Bling Thị Nhanh, đảng viên Chi bộ thôn Ki’nonh (xã A Xan) chỉ là miếng đất đầy rẫy cỏ dại. Gia đình chị chỉ biết đi làm rẫy sống qua ngày.
Thế nhưng, cách đây 3 năm, trong một lần họp Chi bộ tại thôn Ki’nonh, Đảng ủy xã A Xan đã vạch ra định hướng phát triển kinh tế trong thời kỳ mới, “biến” những mảnh đất khô cằn thành mảnh đất màu mỡ để người dân canh tác, tăng thêm thu nhập, quyết tâm xóa đói giảm nghèo.
Sau cuộc họp quan trọng ấy, để bắt đầu thực hiện xây dựng mô hình kinh tế, những đảng viên trong thôn là người tiên phong trong việc thay đổi. Chị Bling Thị Nhanh là một trong những đảng viên tiên phong trong việc đổi mới.
Chị cùng chồng quyết định tận dụng và cải tạo mảnh đất hơn 1.000m2 của mình để trồng sả Java. Đây là loại cây nguyên liệu phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của vùng A Xan, cho thu nhập cao nếu biết cách chăm sóc. Sau 1 năm, vườn sả của chị Nhanh bắt đầu phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Giờ đây, vườn sả Java của tôi cho thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng. Tôi cũng trồng lúa, nuôi bò… nên có thêm kinh phí trang trải cuộc sống. Điều quan trọng hơn là cuộc sống chúng tôi đã bắt đầu thay đổi từng ngày”, chị Nhanh chia sẻ.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Bling Thị Nhanh cũng nhanh chóng truyền kinh nghiệm cho các hộ dân khác trong thôn, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất sả Java cung cấp cho thương lái. Đến nay đã có 20 hộ gia đình cải tạo đất vườn trồng sả Java theo mô hình của chị Nhanh.
Cũng là một đảng viên, ông Hôih Tiến cho hay, với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi cách làm kinh tế, ông đã mạnh dạn “bớt đi rẫy” thay vào đó ông đăng ký mô hình nuôi bò, trồng lúa nước để cải thiện đời sống. Đàn bò mà ông gây dựng đến nay đã hơn 10 con khỏe mạnh và sinh trưởng tốt.
“Tôi xác định xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng. Bản thân là đảng viên nên phải nêu gương đi đầu trong công việc thực hiện và vận động người dân làm theo. Tôi đã đăng ký mô hình nuôi bò, trồng lúa nước và cùng với vợ chăm chỉ làm ăn để tăng thu nhập. Từ đó, giúp người dân vươn lên trong cuộc sống”, ông Hôih Tiến nói.
Để tăng thêm số lượng người dân làm kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, những đảng viên như ông Hôih Tiến và chị Bling Thị Nhanh hàng tuần đều họp nhau dưới nhà gươl để cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi phương pháp cách làm để những hộ dân khác học hỏi.
Ông Bling Nôi - Bí thư Chi bộ thôn Ki’nonh chia sẻ: “Để phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, Chi bộ thôn Ki’nonh tiếp tục vận động nhân dân trong thôn xây dựng nông thôn mới.
Người dân bắt đầu chuyển mô hình đi rẫy sang trồng lúa nước, trồng những cây dược liệu dưới tán rừng hay cải tạo mảnh vườn trống thành nơi trồng sả, trồng những loại cây có thu nhập kinh tế cao”.
Không chỉ là cải thiện đời sống kinh tế người dân, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, đảng bộ và nhân dân thôn Ki’nonh đã hiến đất làm đường với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến nay, thôn Ki’nonh đã có đầy đủ điện, đường, trường, trạm… môi trường sạch sẽ, an ninh quốc phòng vững chắc.
“Chúng tôi với tinh thần quyết tâm vượt qua khó khăn, người dân đã từng bước tự giác phấn đấu, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 đã giảm 10% so với năm trước”, ông Bling Nôi nhấn mạnh.
Cùng nhau vượt khó
Để đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn, không chỉ ở thôn Ki’nonh mà trên địa bàn toàn xã A Xan, thời gian qua, nhiều hộ dân trong xã đã được tập huấn, hướng dẫn các nội dung về định hướng phát triển kinh tế gắn với sản vật đặc trưng của vùng nơi mình sinh sống.
Đặc biệt còn có sự đồng hành, hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương, với lực lượng biên phòng. Đây chính là điểm tựa của người dân, cùng giúp người dân vượt qua khó khăn trong quá trình sản xuất.
Ông Hồ Văn Nhia - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã A Xan (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cho rằng, quan điểm xuyên suốt của Đảng bộ chính là phải lắng nghe người dân, gần dân.
“Gần dân, lắng nghe dân… từ đó những khó khăn, vướng mắc sẽ được nhìn thấy. Khi đã thấy thì Đảng ủy A Xan sẽ tìm hướng gỡ khó, chỉ đạo chính quyền triển khai thực hiện. Với những vấn đề vượt quá khả năng của địa phương thì kịp thời báo cáo với Huyện ủy Tây Giang để xin chủ trương.
Ngoài ra, chúng tôi còn phân công các đồng chí trong ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng nông thôn mới theo dõi các tiêu chí chưa đạt để tham mưu giải pháp.
Phân công các đồng chí Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phụ trách chi bộ để theo dõi, trực tiếp tham gia sinh hoạt với các chi bộ tại các thôn để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, từng bước đảm bảo công tác giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả, củng cố các tiêu chí nông thôn mới thực chất, chất lượng góp phần thay đổi đời sống nhân dân vùng biên giới”, ông Hồ Văn Nhia nói.
Thiếu tá Lê Văn Thu - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tr’hy (Tây Giang, Quảng Nam) cho biết thêm, Đồn Biên phòng có mô hình cán bộ, đảng viên tham gia sinh hoạt ở chi bộ thôn, cán bộ đảng viên phụ trách hộ gia đình để tham gia phát triển kinh tế cho từng hộ gia đình. Có quy chế phối hợp với Đảng ủy xã A Xan trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, phối hợp tham gia phát triển kinh tế.