Tự tin với “người bạn” mới
Khi nhắc về đứa con gái duy nhất trong nhà, ông Cứ A Páo (bản Nậm Púng 3, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) không giấu nổi niềm tự hào xen lẫn cảm thương. Ông Páo bảo: “Tôi sinh được 5 người con thì Dung là thứ 4. Con gái duy nhất trong nhà nên cháu chịu nhiều thiệt thòi nhưng lại chăm ngoan, học giỏi nhất. Hiện, nó đang học năm thứ nhất Đại học Tây Bắc, chuyên ngành Sư phạm Ngoại ngữ”.
Rồi ông kể, suốt mấy năm qua, dịch bệnh phức tạp, nhiều lần trường học phải tạm đóng cửa cho học sinh học trực tuyến. Vì nhà nghèo, lại đông con nên ông không thể sắm sửa thiết bị học tập đầy đủ cho các cháu. Những dịp phải học trực tuyến, Dung như thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nên không đòi hỏi, than phiền bố mẹ.
“Nhìn nó tìm mọi cách để được học, tôi thương lắm. Cũng cố gắng xoay sở mua cho con cái điện thoại rẻ tiền, miễn sao vào được mạng để con theo kịp chương trình. Nhưng ở đây biên giới, mạng cũng chập chờn nên mỗi lần tới giờ học nó phải chạy đôn đáo khắp nơi”, ông Páo tâm sự.
Mọi nỗ lực của Dung cũng được đền đáp khi năm vừa qua em đỗ vào Đại học Tây Bắc. Gần đây dịch bệnh đã ổn định hơn, nhưng vì học chuyên ngành Ngoại ngữ nên Dung luôn khát khao có 1 chiếc laptop để tìm hiểu thông tin, phục vụ việc học. Ông Páo thấu hiểu, nhưng với nguồn lực của gia đình thì việc lo đủ 2 triệu đồng cho con mỗi tháng đã là cố gắng lắm.
“Đợt vừa rồi xã thông báo có chương trình hỗ trợ vay tiền mua máy tính cho học sinh, sinh viên (HSSV) tôi phấn khởi lắm, tìm lên ngân hàng luôn. Các cô chú ấy hướng dẫn làm hồ sơ. Vì là hộ nghèo nên gia đình được đồng ý cho vay 10 triệu đồng mà không gặp vướng mắc gì”, ông Páo phấn khởi kể.
Tại Điện Biên hiện đã có 115 gia đình, với 118 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng chương trình vay vốn mua máy tính phục vụ học trực tuyến. |
Nhận được điện thoại thông báo của bố, cuối tháng 5 vừa qua Dung thu xếp dịp cuối tuần bắt xe về nhà. Nhìn chiếc laptop mới tinh còn chưa bóc tem, Dung không dám tin niềm mơ ước bao lâu đã thành hiện thực. “Cầm máy tính rồi nó vẫn lăn tăn, chắc sợ thêm gánh nặng cho bố mẹ. Nhưng tôi động viên con yên tâm, vì lãi suất thấp mà thời gian vay lại trong 3 năm liền nên không áp lực”, ông Páo nói.
Khác với những hành trình trước, lần này Dung tự tin xuôi núi xuống trường với hành trang là chiếc laptop mới mua. Từ nay, cô học trò nghèo miền núi có thể tự tin “bắt nhịp” với những đổi mới trong giáo dục và chuyên ngành Sư phạm Ngoại ngữ mà em theo đuổi…
Còn với gia đình ông Cà Văn Loan, bản Bông, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên), chương trình vay vốn là “cứu cánh” cho việc học của các con bao lâu nay. Ông Loan cho biết: Nhà có 2 con đang theo học phổ thông. Giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19, gia đình rất “đau đầu” trong việc bố trí thiết bị cho các con học trực tuyến. Nhiều hôm cả 2 con đều học cùng khung giờ, mà nhà chỉ có 1 điện thoại của bố vào mạng được, nên 1 cháu còn lại phải sang nhà bạn học nhờ, rất bất tiện.
“Tôi vay 20 triệu đồng để mua 2 máy tính cho con học. Mỗi tháng chỉ phải trả tiền lãi vài chục nghìn đồng nên không quá khó khăn. Với những gia đình thu nhập chỉ dựa vào nông nghiệp như chúng tôi thì chính sách này rất thiết thực. Nhất là trong giai đoạn giáo dục nhiều đổi mới hiện nay, vốn vay giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng lo học cho con”, ông Loan chia sẻ.
Nhiều HSSV tại Điện Biên đã tự tin bắt nhịp với những thay đổi trong giáo dục hiện nay khi có máy tính mới. |
Chủ động gỡ khó, khẩn trương giải ngân
Là một trong 3 chương trình cho vay phục hồi phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ HSSV có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến đang tiếp sức cho nhiều học trò nghèo Điện Biên tự tin hội nhập.
Theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Điện Biên, ngay trong ngày đầu tiên triển khai đã có 9 khách hàng là HSSV được vay vốn, với số tiền 90 triệu đồng. Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Điện Biên cho hay, mỗi HSSV đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ được đơn vị cho vay tối đa 10 triệu đồng, với lãi suất 1,2%/năm. Đa phần các trường hợp đều vay ở mức tối đa. Một số gia đình cùng lúc vay mua 2 chiếc máy tính.
“Chính sách này không chỉ giúp HSSV hoàn cảnh khó khăn có điều kiện mua sắm phương tiện học tập, đảm bảo học trực tuyến trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây còn là giải pháp dài hơi góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong ngành Giáo dục cũng như đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục của HSSV”, ông Nam cho hay.
Tỷ lệ giải ngân của Điện Biên được đánh giá là cao hơn so với các tỉnh Tây Bắc. Tuy nhiên, công tác triển khai vẫn còn chậm so với kế hoạch. Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch tín dụng (NHCSXH tỉnh Điện Biên) thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong quá trình giải ngân vốn. Trong đó, công tác tuyên truyền tới đối tượng và việc rà soát, xây dựng nhu cầu vốn tín dụng tại một số địa phương còn hạn chế, chưa sát với nhu cầu thực tế.
“Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay đã cơ bản được kiểm soát, HSSV học tập trung lại bước vào kỳ nghỉ hè nên chưa có nhu cầu vay vốn ngay. Đây là thực tế khách quan chính khiến tiến độ giải ngân bị gián đoạn”, bà Thủy cho hay.
Cũng theo bà Thủy, với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian vừa qua ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị ủy thác để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trong đó tập trung tuyên truyền sâu rộng về chính sách tín dụng, đặc biệt là chương trình HSSV mua máy tính để người dân hiểu rõ lợi ích về lâu dài, mạnh dạn vay vốn.
Còn theo ông Đặng Văn Sỹ, tổ trưởng tổ vay thôn 7, xã Pom Lót, huyện Điện Biên, phát huy vai trò ở cơ sở thì các cấp ủy, ban giảm nghèo đã chủ động rà soát, phê duyệt danh sách hộ gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng. “Chúng tôi lấy đó làm căn cứ để tổ chức các hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn thủ tục hồ sơ giải ngân vốn ngay khi có nhu cầu vay làm sao bảo đảm đúng chính sách, đối tượng và nhu cầu thực tế”.
Ông Trần Ngọc Nam cho biết: Trong suốt quá trình triển khai, đơn vị thường xuyên cập nhật, báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện. Đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, trong đó có đề xuất kiến nghị và tham mưu với UBND tỉnh để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Quyết tâm là hỗ trợ kịp thời, hiệu quả các trường hợp có nhu cầu cũng như hoàn thành kế hoạch vốn năm.
Năm 2022, tỉnh Điện Biên được giao giải ngân cho vay 99,8 tỷ đồng của 3 chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Trong đó, cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến 3,3 tỷ đồng. Thống kê đến ngày 27/6, đơn vị đã giải ngân gần 1,2 tỷ đồng, cho 115 gia đình vay, với 118 HSSV thụ hưởng.