“ATM điện thoại thông minh”
Để học sinh khó khăn có thiết bị, phương tiện học trực tuyến, giáo viên của Trường THCS Minh Đức, Quận 1 đã lên kế hoạch hỗ trợ với chương trình có tên là “ATM điện thoại thông minh”.
Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, qua thống kê sơ bộ, trường có khoảng 100 học sinh không đủ thiết bị để học trực tuyến. Tại buổi họp hội đồng sư phạm của trường, các thầy cô giáo đã trao đổi, nêu ý kiến cũng như bày tỏ sự lo lắng về thực tế này.
Các thầy cô đều không muốn “bất cứ học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, nên đã cùng nhau đưa ra ý kiến xin điện thoại thông minh cũ, laptop cũ… từ phía các nhà hảo tâm, phụ huynh, học sinh hay bất cứ ai.
“ATM điện thoại thông minh” của trường ra đời từ đó. Cụ thể, nhà trường sẽ tạo ra link kêu gọi phụ huynh, học sinh hay nhà hảo tâm có điện thoại thông minh cũ, máy điện thoại để bàn hay laptop cũ (kèm theo dây sạc) có cài sẵn ứng dụng K12 online, nhằm đảm bảo thiết bị đáp ứng việc học trực tuyến của học sinh...
Cô Trần Thúy An cho biết, sau 9 ngày vận động, chương trình “ATM điện thoại thông minh" đã nhận được 8 thiết bị qua sử dụng và hơn 51,9 triệu đồng. Nhà trường đã thành lập một tổ gồm 6 thầy cô tiếp nhận, quản lý vận hành ATM, mua mới 26 chiếc điện thoại thông minh và đã trao đến tận tay học sinh. Hiện trong ATM còn tồn gần 3,4 triệu đồng và 8 thiết bị đã qua sử dụng.
Theo thống kê từ các giáo viên chủ nhiệm, cho đến thời điểm này, tất cả học sinh của trường đã có thiết bị để học trực tuyến. Dự kiến khi chính thức bước vào tuần đầu tiên của năm học mới sẽ phát sinh thêm những em cần hỗ trợ. Khi ấy, những thiết bị đã qua sử dụng có trong ATM sẽ được tiếp tục trao đến cho học sinh.
Trong thời gian giãn cách xã hội, nhà trường đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của Ban chỉ huy Quận sự phường Cầu Ông Lãnh - Quận 1 để vận chuyển những thiết bị này trao tận tay cho các em đang ở vùng dịch (vùng đỏ, vùng vàng), khu cách ly, phong tỏa...
"Máy tính cũ- Tri thức mới"
Hội đồng Đội TP.HCM cũng đã phối hợp Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP phát động chương trình quyên góp thiết bị, máy tính, điện thoại, máy tính bảng đã qua sử dụng để sửa chữa, trao tặng học sinh khó khăn có điều kiện học online.
Đây là hoạt động mở rộng từ chương trình “Máy tính cũ - Tri thức mới” do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ thực hiện từ năm 2013.
Đến nay, chương trình đã tiếp nhận sự đóng góp từ cộng đồng những máy tính cũ và phụ kiện, sau đó tiến hành sửa chữa và trao tặng gần 1.000 bộ máy vi tính, trong đó có 10 phòng máy cho người dân những địa phương khó khăn tại các huyện ngoại thành của TPHCM và các tỉnh. Hàng trăm học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai… đã được thụ hưởng.
Chương trình cũng thường xuyên kết nối các địa phương, trường học, người dân khó khăn để nắm bắt nhu cầu thực tế và hỗ trợ hướng dẫn sử dụng máy tính, dạy tin học và sử dụng Internet để thiếu nhi và người dân những vùng sâu vùng xa được tiếp cận công nghệ và tri thức trong thời đại số, nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi cuộc sống.
Ngoài ra, Trung tâm cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất đã sử dụng máy tính cũ để dạy tin học, sử dụng Internet, tặng smartphone miễn phí cho người cao tuổi, người khuyết tật tại TPHCM, góp phần giúp nhóm người yếu thế tiếp cận công nghệ và thông tin để không ai bị “bỏ lại phía sau” trong tiến trình phát triển rất nhanh của xã hội hiện đại.
100 bộ máy tính cho con em cán bộ nhân viên khó khăn mùa dịch
Công đoàn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM đã thực hiện chương trình "Máy tính cũ, tri thức mới". Trong đợt 1, từ sự hỗ trợ của Trung tâm tin học Trường, đã có 20 bộ máy tính được gửi tặng để hỗ trợ con cán bộ nhân viên của Trường học online trong mùa dịch bệnh.
ThS Phùng Quán, Phó Chủ tịch Công đoàn ĐH Quốc gia TPHCM, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho biết, dự kiến Trường sẽ trao 100 bộ máy tính trong đợt 2 từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"