Cần can thiệp chuyên nghiệp trong xử lý các vấn đề gia đình tại Việt Nam
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, gia đình là nền tảng của sự phát triển cá nhân và cũng là tế bào của xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, các vấn đề nảy sinh trong gia đình đang trở thành mối đe dọa không chỉ đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của cá nhân, mà còn đối với sự ổn định và phát triển của xã hội.
Các vấn đề như ly hôn, bạo lực gia đình, và xung đột nội bộ đã tạo ra những hệ quả tiêu cực, không chỉ đối với các cá nhân mà còn cho cấu trúc xã hội nói chung.
Trong bối cảnh này, việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp về tham vấn hôn nhân và gia đình trở nên cấp thiết để hỗ trợ các cá nhân và gia đình đối phó với các vấn đề này một cách hiệu quả.
PGS.TS Trần Thành Nam cho biết: Tại Việt Nam, số liệu cho thấy tỷ lệ ly hôn đang có xu hướng tăng nhanh. Theo thống kê năm 2023, Việt Nam ghi nhận khoảng 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, tương đương 0,75 vụ/1000 dân.
Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25% - 30%, nghĩa là cứ ba đến bốn cặp vợ chồng đăng ký kết hôn thì một cặp ra tòa ly hôn (Theo số liệu Tổng cục Thống kê, 2010 - 2020).
Đáng chú ý, thời gian sống trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng ở các thành phố lớn chỉ là 6-8 năm.
Mặc dù ly hôn không phải luôn là nguyên nhân chính gây ra vấn đề về sức khỏe tinh thần cho cá nhân, nhưng những căng thẳng và xung đột trong quá trình ly hôn, thiệt thòi con trẻ, đặc biệt là khi không có sự can thiệp hợp lý, có thể là yếu tố nguy cơ lớn.
Bên cạnh đó, bạo lực gia đình đang là một vấn nạn đáng lo ngại. Theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 thì cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) từng chịu 1 hoặc hơn 1 hình thức bạo lực trong đó có bạo lực thể chất, kinh tế, tinh thần, kiểm soát hành vi và bạo lực tình dục (UN, 2019).
Hệ quả của bạo lực gia đình không chỉ dừng lại ở các tổn thương về thể chất mà còn gây ra những tác động nghiêm trọng về mặt tâm lý như trầm cảm, lo âu, và nguy cơ tự tử.
Những con số này phản ánh rõ ràng tình trạng nguy cấp của gia đình Việt Nam và đòi hỏi sự can thiệp chuyên nghiệp từ các nhà tham vấn và trị liệu gia đình để giúp phục hồi và cải thiện cấu trúc gia đình.
Thực trạng trên cho thấy rõ ràng sự cần thiết phải có sự can thiệp chuyên nghiệp trong việc xử lý các vấn đề gia đình tại Việt Nam.
“Gia đình, với vai trò là môi trường quan trọng nhất trong sự phát triển của cá nhân, khi không còn là nơi an toàn, sẽ đẩy các thành viên vào những trạng thái căng thẳng, lo âu, và tổn thương tâm lý.
Việc xây dựng và phát triển một những chương trình đào tạo chuyên sâu về trị liệu hôn nhân và gia đình, dựa trên các nền tảng khoa học về tâm lý, xã hội học và giáo dục học, sẽ giúp tạo ra một nguồn nhân lực đội ngũ chuyên gia có thể hỗ trợ gia đình trong việc tái thiết lập cấu trúc lành mạnh, đồng thời trị liệu các vấn đề về sức khỏe tinh thần của các thành viên trong gia đình”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.
Định hướng người trẻ để phát huy giá trị gia đình Việt Nam
Trong bối cảnh hiện nay, các giá trị gia đình đang có nhiều thay đổi. Một số giá trị truyền thống vẫn luôn được đề cao, nhưng cũng có nhiều giá trị đang bị mai một, chuyển đổi và đồng thời có những tiêu chuẩn mới xuất hiện.
Hiện nay việc tìm hiểu và kết hôn của thanh niên nam nữ đã có sự chuyển đổi. Thay vì từ làm quen, tìm hiểu rồi đến kết hôn, họ chuyển từ tìm hiểu sang chung sống và sau đó có thể kết hôn hoặc không.
Phần nhiều những cặp nam nữ ngày nay coi sống thử và kết hôn là hai sự việc không loại trừ nhau mà sống thử trở thành một giai đoạn diễn ra trước khi tiến tới hôn nhân. Mô hình hôn nhân truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng chung sống không kết hôn, thậm chí có con ngoài giá thú đã được chấp nhận rộng rãi.
Mặc dầu giới trẻ vẫn tin rằng hôn nhân rất quan trọng, nhưng tuổi kết hôn có xu hướng ngày càng tăng. Nhiều người trẻ trở nên lưỡng lự với việc kết hôn bởi các vấn đề như: áp lực sinh con sau khi kết hôn, tỷ lệ ly hôn trong xã hội gia tăng, đặc biệt sự độc lập về kinh tế của người phụ nữ.
Thực trạng xã hội đang thay đổi, tỷ lệ nạo phá thai tăng, vai trò của cha mẹ (khi cao tuổi) trong gia đình giảm sút, nhiều người trẻ hiện ủng hộ việc không sống chung với cha mẹ mà sẽ đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ quá coi trọng vấn đề tiền bạc hơn hạnh phúc hôn nhân và xây dựng phát triển gia đình.
Thế hệ trẻ ngày nay sẵn sàng chi mạnh tay cho “tình phí”, chấp nhận những xu hướng mới như hẹn hò online, tin vào tình yêu sét đánh để rồi sớm chia tay. Xu hướng yêu vội, cưới nhanh, ly hôn sớm không còn là cá biệt. Giới trẻ bắt đầu chấp nhận các mối tình đồng tính, các mối tình “chị em” thậm chí còn chấp nhận sự chênh lệch tuổi tác lên đến 8-10 tuổi.
Các hình thái gia đình cũng thay đổi theo xu hướng gia đình hạt nhân và ngày càng nhiều gia đình đơn thân xuất hiện. Vấn đề ngoại tình, ly hôn, kết hôn nhưng không sinh con đang phá vỡ cấu trúc gia đình thậm chí còn phá hoại các nền tảng giáo dục của gia đình.
Để có thể phát huy những yếu tố truyền thống và tích cực tiếp thu những giá trị gia đình mới cho thế hệ trẻ, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng cần có các nghiên cứu để đánh giá chung về hệ giá trị gia đình Việt nam, nhận diện được các giá trị truyền thống cần gìn giữ và phát huy, xác định những giá trị mới đang hình thành phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của giá trị sống đối với sự hình thành, phát triển nhân cách của thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ cũng cần phải được giáo dục về các giá trị phổ quát để tiếp biến và phát huy những giá trị gia đình ví dụ như yêu nước, yêu gia đình làng xóm, có ý thức cộng đồng, đoàn kết, lịch sự và lễ phép, tinh tế trong ứng xử, có hiểu biết về lịch sử văn hóa, tôn trọng, nhân ái và hợp tác…
“Chúng ta cũng cần xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật chính sách phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030, trong đó chú trọng giữ gìn, phát triển các giá trị gia đình.
Các chính sách xây dựng, phát triển gia đình cần được lồng ghép trong những chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các chương trình mục tiêu quốc gia. Xây dựng các chuẩn mực để bảo tồn và phát triển gia đình, bao gồm các tiêu chí rõ ràng về giá trị cốt lõi của gia đình, như sự ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh thêm.
Các chương trình đào tạo về tham vấn và trị liệu hôn nhân gia đình trên thế giới có sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng. Mỗi quốc gia đều có những phương pháp và nội dung đào tạo riêng, nhưng đều hướng tới việc trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để hỗ trợ gia đình và cá nhân đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Việc mở rộng đào tạo lĩnh vực này tại Việt Nam sẽ giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến cặp đôi, vấn đề hôn nhân, gia đình ngày càng phức tạp và cấp thiết.
PGS.TS Trần Thành Nam