Trong hơn 10 năm gần đây, hôn nhân, gia đình ở Việt Nam có nhiều thay đổi, chủ yếu xuất phát từ những thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội, nhất là tác động từ quá trình toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Theo một số đại biểu, toàn cầu hóa thúc đẩy các nền kinh tế phát triển. Trong mỗi gia đình, người vợ và người chồng đều có thể làm việc tốt, phát triển kinh tế một cách độc lập.
Vấn đề bình đẳng giới ngày càng được coi trọng, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ nói chung, người vợ trong các gia đình nói riêng, nhưng kéo theo đó là những tác động tiêu cực đến hôn nhân, gia đình. Đó là tình trạng: Quan hệ vợ chồng, gia đình lỏng lẻo; ngoại tình, tỷ lệ ly hôn cao; sống chung trước, kết hôn sau; trẻ em sống ích kỷ, ưa hưởng thụ; người già cô đơn, thiếu sự quan tâm chăm sóc…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khái niệm gia đình đang có thay đổi và ngày càng mở rộng. Để nâng cao chất lượng hôn nhân và gia đình cần có sự đảm bảo về vật chất, các thành viên cần biết yêu thương, thông cảm, hy sinh cho nhau.
Bên cạnh đó, gia đình hiện đại cần tôn trọng bình đẳng giới và độc lập về tài chính hơn so với gia đình truyền thống. Vì vậy, mỗi thành viên cần biết hạ bớt “cái tôi” của bản thân và nhường nhịn lẫn nhau.
Bàn luận tới chất lượng hôn nhân gia đình, nhiều đại biểu đều đồng tình cho rằng: Không có bất cứ khuôn mẫu nào hạnh phúc hoàn hảo để áp dụng cho mỗi gia đình.
Điều cần là các thành viên trong gia đình đồng lòng, cùng hành động hướng tới sự hài hòa cho mỗi thành viên. Nhiều chuyên gia cho rằng, nói đến chất lượng hôn nhân gia đình là nói đến sự hài lòng của cả vợ và chồng, được nhìn nhận thông qua các điểm, sự sung túc về kinh tế, hạnh phúc về tinh thần, chia sẻ trong gia đình, tự do phát triển của mỗi cá nhân…
Hội thảo cũng là dịp để các đại biểu cùng bàn về các vấn đề như hôn nhân xuyên biên giới, nghệ thuật ứng xử và giáo dục trong gia đình..