Những hạn chế hiện hữu
Tính đến năm 2017, cả nước có 155 cơ sở đào tạo giáo viên, gồm: 58 trường ĐH, 57 trường CĐ, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Trong số đó có 14 trường ĐH sư phạm, 33 trường CĐ sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.
Theo GS.TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh - mặc dù vẫn còn 49 trường sư phạm nhưng trong thực tiễn gần như tất cả 155 cơ sở đào tạo giáo viên ở nước ta ngoài đào tạo giáo viên còn đào tạo cả các ngành khác ngoài đào tạo giáo viên.
Nhìn chung, việc đào tạo giáo viên ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định: Mở rộng về quy mô, đa dạng trong mô hình đào tạo; cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp. Trong khoảng 5 năm trở lại đây chương trình đào tạo tại các trường sư phạm có nhiều điểm mới theo hướng phát huy năng lực người học, qua đó đã góp phần đưa GD-ĐT ở Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu sơ bộ một số chương trình đào tạo giáo viên trong nước ở một số cơ sở GD đại học có đào tạo giáo viên, GS.TS Đinh Xuân Khoa cho biết, về khung chương trình đào tạo, hầu hết các cơ sở GD đào tạo giáo viên trình độ ĐH đều thực hiện chương trình đào tạo có khối lượng kiến thức từ 125 - 135 tín chỉ với thời gian trung bình là 4 năm.
Khối kiến thức GD đại cương chiếm 15,5% - 24%; khối kiến thức GD chuyên nghiệp chiếm 69% - 79,5%, trong đó kiến thức cơ sở ngành là 16,3% - 26%, kiến thức ngành và nghiệp vụ sư phạm là 55,5 - 60,7%; thực tập chiếm 5% - 7%.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, trong các chương trình đào tạo giáo viên hiện nay, khối kiến thức GD đại cương còn xơ cứng, ít đổi mới; khối kiến thức GD chuyên nghiệp vẫn còn tình trạng mất cân đối giữa kiến thức nghiệp vụ sư phạm và kiến thức ngành, thường khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm chỉ chiếm tỷ lệ thấp từ 16% - 23,5% khối lượng kiến thức chương trình đào tạo.
Bên cạnh đó, còn nhiều chương trình đào tạo giáo viên của các trường ĐH được xây dựng theo hướng tiếp cận dựa vào nội dung hoặc chủ đề.
Trong chương trình đào tạo vẫn còn ít học phần tự chọn, trong khi số lượng các học phần bắt buộc tương đối nhiều, nhiều chương trình đào tạo có gần 50 học phần bắt buộc, điều này làm xé nhỏ khối lượng tín chỉ/học phần, có nhiều học phần có 2 tín chỉ, thậm chí có học phần có 1 tín chỉ, gây khó khăn ít nhiều đến việc tích luỹ của người học. Chưa kể, tính liên thông giữa các chương trình đào tạo giáo viên trong cùng một cơ sở đào tạo và khác cơ sở đào tạo là không cao.
“Cũng phải nói đến việc các chương trình đào tạo giáo viên được phát triển không đảm bảo chặt chẽ, khoa học trong đầy đủ các bước của quy trình phát triển chương trình đào tạo. Việc phát triển chương trình đào tạo thiếu hoặc không có đầy đủ sự tham gia của tất cả các bên liên quan; phân tích bối cảnh cho phát triển chương trình đào tạo chưa thực sự được quan tâm.
Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo được phát biểu thiếu căn cứ khoa học, chưa khách quan. Vai trò của chuẩn đầu ra chương trình đào tạo trong thiết kế chương trình đào tạo chưa rõ ràng, nhiều môn học trong chương trình đào tạo chưa được phân nhiệm tương ứng với chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, vì vậy vẫn còn tình trạng môn học “thừa”, tín chỉ “thừa” nằm trong chương trình đào tạo” - GS Đinh Xuân Khoa phân tích thêm.
Đào tạo theo hướng phát triển năng lực
Nhấn mạnh cần học tập kinh nghiệm nước ngoài trong phát triển chương trình và tổ chức đào tạo giáo viên, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh đồng thời lưu ý đến bồi dưỡng năng lực phát triển chương trình đào tạo cho đội ngũ giảng viên sư phạm.
“Phát triển chương trình đào tạo là một quá trình liên tục nhằm hoàn thiện không ngừng chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu đổi mới của thực tiễn, vì vậy mà cũng phải thường xuyên quan tâm bồi dưỡng năng lực phát triển chương trình đào tạo cho đội ngũ này” - GS Đinh Xuân Khoa nêu quan điểm.
Nói đến các giải pháp cho chương trình đào tạo giáo viên, GS Đinh Xuân Khoa cũng khẳng định cần định hướng phát triển chương trình đào tạo giáo viên theo hướng phát triển năng lực.
Trong thiết kế và phát triển chương trình đào tạo, các môn học trong chương trình đào tạo phải hướng đến hình thành cho người học những năng lực cần thiết để thực hiện các hoạt động cơ bản trong thực tiễn nghề nghiệp và giải quyết tốt các tình huống xảy ra trong bối cảnh cụ thể của thực tiễn GD.
Bên cạnh đó, lưu ý tính liên thông trong hệ thống của chương trình đào tạo giáo viên. Với tính linh hoạt, đảm bảo liên thông của chương trình đào tạo, người học có thể chuyển đổi chuyên ngành, học lên bậc học cao hơn thuận lợi.
Mặt khác, cần đảm bảo một “phần chung” nhất định trong chương trình đào tạo giáo viên của các cơ sở đạo tạo giáo viên có uy tín (đã được kiểm định chất lượng GD ĐH hoặc được thụ hưởng chương trình ETEP). Ở “phần chung” này, các học phần được thừa nhận có giá trị chuyển đổi tương đương giữa các cơ sở đào tạo.
Việc thực hiện quy trình phát triển chương trình đào tạo giáo viên đảm bảo tính cập nhật và khoa học, với sự tham gia của các bên liên quan (thông qua khảo sát) cũng là giải pháp quan trọng. Chia sẻ điều này, GS Đinh Xuân Khoa cho rằng, chương trình đào tạo giáo viên phải đảm bảo được xây dựng đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.
Trong đó chuẩn đầu ra chương trình đào tạo giáo viên cũng phải được xây dựng trên cơ sở khảo sát các bên liên quan, tham chiếu với chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo hiện hành và phân tích bối cảnh một cách toàn diện, bao gồm cả chuẩn nghề nghiệp của giáo viên.