Hội thảo về bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông |
Dự hội thảo có ông Đỗ Trường Sơn - Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy; Bà Dương Bích Nguyệt - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai; GS.TS Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên; TS. Hoàng Văn Dương - Hiệu trưởng Trường CĐSP Lào Cai cùng đông đảo các nhà khoa học giáo dục, giảng viên sư phạm, cán bộ quản lý giáo dục.
Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng về công tác bồi dưỡng giáo viên, tổng kết kinh nghiệm quốc tế, phân tích thực trạng, tìm kiếm giải pháp, đề xuất mô hình, định hướng bồi dưỡng giáo viên, định hướng về phát triển các trường sư phạm trong thời gian tới để phù hợp với đổi mới giáo dục hiện nay.
Nội dung của các bài viết đã nêu được thực trạng công tác bồi dưỡng ở các địa phương như: Lào Cai, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Từ phân tích thực trạng, nhiều tác giả đã đề xuất một số mô hình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, nhiều tác giả đã đề xuất các mô hình bồi dưỡng như: mô hình tập huấn giáo viên; quan sát - đánh giá; tham gia vào quá trình phát triển/cải tiến; tham gia nhóm nghiên cứu/học tập; tham gia nhóm nghiên cứu/hành động; các hoạt động hướng dẫn riêng; mô hình cố vấn; bồi dưỡng giáo viên cốt cán,...
Về hình thức tổ chức bồi dưỡng, các tác giả đã đề xuất nhiều hình thức: bồi dưỡng tại trường học nhằm đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng trường và từng địa phương; Bồi dưỡng giáo viên trực tuyến;
Một số hình thức tổ chức bồi dưỡng như: thảo luận nhóm, semina, tạo tình huống tranh luận, tình huống giả định, đóng vai, nghiên cứu trường hợp, thực tế tại các cơ sở giáo dục, nghiên cứu bài học ở tổ/nhóm chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên qua hệ thống tài liệu có hướng dẫn,... cũng được các tác giả đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả của các khóa bồi dưỡng thường xuyên hiện nay.
Các tham luận tại hội thảo tập trung chia sẻ kinh nghiệm đổi mới chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên của một số nước trên thế giới.
Đặc biệt, nhiều báo cáo quan tâm đến việc phát triển chương trình đào tạo giáo viên dạy tích hợp, phát triển chương trình giáo dục nhà trường, đổi mới hình thức tổ chức bồi dưỡng và bồi dưỡng trực tuyến.
Kết quả thảo luận tại Hội thảo này sẽ giúp các trường sư phạm, các sở giáo dục và đào tạo xây dựng định hướng phát triển chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ sở quản lý giáo dục phổ thông trong tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp và bồi dưỡng theo yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.