Xây dựng tiêu chí năng lực số
Từ năm 2020, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp với 1 tập đoàn triển khai dự án “Nâng cao năng lực số cho học sinh, sinh viên”. GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, quá trình triển khai dự án cho thấy, học sinh, sinh viên Việt Nam có đầy đủ tố chất và cơ hội để phát triển toàn diện trong môi trường số. Đặc biệt, sinh viên ở độ tuổi 18 - 22 sẽ là trụ cột, chủ nhân của đất nước. Do đó, trang bị năng lực số cho các em để chuẩn bị gia nhập thị trường lao động vô cùng quan trọng.
Để đạt mục tiêu 3 trụ cột trong chuyển đổi số quốc gia là: Kinh tế số, chính phủ số và xã hội số, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc đào tạo, nâng cao năng lực số cho sinh viên đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Các em sẽ là lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai gần.
Tuy nhiên, các đánh giá từ cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức quốc tế cho thấy, hiện năng lực số của sinh viên Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số. Do vậy cần có nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực số cho sinh viên từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Tại Tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Kỹ thuật, ThS Nguyễn Văn Linh - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội thống nhất cần thiết ban hành Chuẩn chương trình này; đồng thời đề xuất có thêm tiêu chí về năng lực số của người học.
Theo đó, trong Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Kỹ thuật - Công nghệ cần chú ý đến đào tạo, trang bị và nâng cao năng lực số cho sinh viên. Đây được xem như “chìa khóa” giúp các em hòa nhập vào hệ sinh thái chuyển đổi số, thích ứng yêu cầu của cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng, trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số là một trong những xu hướng nổi bật về lao động. Theo đó, các trường đại học đóng vai trò đặc biệt quan trọng thông qua khả năng ảnh hưởng đến cộng đồng. Vì thế, trong Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Kỹ thuật - Công nghệ cần lưu tâm đến năng lực này, giúp các em có khả năng thích nghi môi trường số.
Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Website VNU |
Bài toán chung của toàn xã hội
Cho rằng, các doanh nghiệp đầu tư sẽ hướng đến nhóm lao động trẻ, với khả năng nhạy bén hơn về kỹ thuật số, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - Phạm Bảo Sơn nhìn nhận, giờ đây, vị trí nghề nghiệp liên tục biến đổi, các loại hình công việc có tính chất lặp đi lặp lại, cần độ chính xác cao dần được tự động hóa, thay thế bởi máy móc từng phần đến toàn bộ.
Cùng đó, nhiều loại hình công việc mới được tạo ra, cơ hội biến những thói quen, sở thích, sở trường vốn có thành nội dung sáng tạo, khả năng gây ảnh hưởng với cộng đồng và tạo ra công việc mới ngày càng rộng mở. Vì thế, lực lượng lao động có sự phân hóa mạnh mẽ dựa trên năng lực sử dụng công nghệ, khả năng thích nghi môi trường số.
Từ thực tiễn trên, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, vấn đề cấp thiết là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực số phù hợp, khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số và linh hoạt trước mọi biến đổi của thị trường lao động. Nâng cao năng lực số giờ đây là bài toán chung của toàn xã hội.
Nguồn nhân lực số là một trong những yếu tố then chốt để thực hiện thành công chuyển đổi số, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh và khẳng định, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số có vai trò quan trọng của các cơ sở đào tạo, trường đại học, học viện.
“Chúng tôi mong cơ sở đào tạo quan tâm và thúc đẩy hơn nữa việc nâng cao năng lực số cho sinh viên”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất. Muốn vậy, cần xây dựng chính sách, cơ chế để năng lực số được coi trọng đúng mức; đồng thời tích hợp vào nội dung chương trình đào tạo và trở thành một trong những yêu cầu bắt buộc của chuẩn đầu ra đối với sinh viên.
Viện dẫn, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên trong triển khai thực hiện chuyển đổi số.
Để đẩy mạnh vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục xây dựng và triển khai Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số. Qua đó ứng dụng triệt để những thành tựu của công nghệ số, dữ liệu số để đưa các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học lên môi trường số hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, để triển khai thành công chuyển đổi số, yếu tố con người có vai trò quyết định. Ngoài quyết tâm chính trị của người đứng đầu cơ sở giáo dục, thì thay đổi nhận thức của đội ngũ giảng viên, khả năng thích ứng từ người học trong môi trường số rất quan trọng.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ gợi mở, có thể lồng ghép chính sách về phát triển năng lực số cho sinh viên vào khuôn khổ chính sách về giáo dục, đào tạo của Bộ GD&ĐT hoặc chính sách công nghệ thông tin, truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông.