“Nhập vai” để trải nghiệm
Tối 25/9, sân Trường PTDTBT THCS Mường Nhé (huyện Mường Nhé, Điện Biên) rộn rã, náo nhiệt hơn ngày thường. Lần đầu tiên, bài học lịch sử quy mô lớn nhất được tổ chức, với sự tham gia của trên 1.000 học sinh, giáo viên và phụ huynh nhà trường.
Không bó hẹp trong không gian lớp học vài chục mét vuông, giờ học lịch sử hôm nay diễn ra ngay tại sân trường. Người đứng trên bục cũng không phải cô giáo dạy Lịch sử mà là thuyết minh viên Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cũng như nhiều bạn cùng lớp, cô bé Giàng Thị Mỷ được bố đưa đến trường từ rất sớm. Em thích thú với những bức tranh phác họa thời khắc lịch sử khổ lớn trưng bày tại khuôn viên nhà trường. Sau khi ổn định chỗ ngồi, Mỷ cùng các bạn xem những thước phim hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bằng chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm, thuyết minh viên bảo tàng đã mang đến những câu chuyện lịch sử đầy giá trị và chân thực. Mỗi dấu mốc, gắn với nhân vật. Trong đó, có câu chuyện, đi kèm cảm xúc. Không chỉ chăm chú đón xem, một số học sinh đã rơi nước mắt vì xúc động.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Nhé nghe thuyết minh viên “kể chuyện” chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Sau “khoảng lặng” ấy, các em tiếp tục có thêm trải nghiệm thú vị, với những hoạt động hoạt náo. Theo đó, học sinh được chia thành các đội thi, trực tiếp tìm hiểu thông tin, kiến thức về chiến dịch Điện Biên Phủ, Bức tranh panorama về chiến dịch, một số điểm di tích tiêu biểu, những sự kiện đặc biệt của địa phương thông qua việc trả lời câu hỏi do Ban Tổ chức đưa ra.
Đặc biệt, hấp dẫn nhất và thu hút sự hào hứng của đông đảo học sinh là các trò chơi trải nghiệm. Mỗi thí sinh sẽ được “nhập vai” chiến sĩ, tham gia các trò chơi gắn với lịch sử, như: Đánh nhanh, thắng nhanh; Truyền tin đồng đội...
“Tham gia trò chơi này, em tưởng tượng mình là một người lính, cố gắng truyền thông tin cho đồng đội một cách nhanh và chính xác nhất. Kết thúc trò chơi mặc dù kết quả không như mong muốn song em rất vui. Đặc biệt là thêm hiểu hơn về ông cha ta ngày xưa. Trong điều kiện chiến tranh thì thực hiện các nhiệm vụ này sẽ khó khăn, vất vả hơn bội phần”, học sinh Giàng A Mạnh bộc bạch.
Nhìn con chăm chú, thích thú với buổi trải nghiệm, anh Giàng A Dình không khỏi phấn khởi. Anh Dình cho hay: “Từ chiều con tôi ở nhà đã rất háo hức rồi. Cháu cứ giục tôi ăn cơm sớm để đưa ra trường cùng các bạn. Nhìn con vừa học lại vừa được chơi bổ ích thế này tôi cũng mừng”.
Các hoạt động hoạt náo trải nghiệm lịch sử giúp các em hứng thú học tập. |
Tạo “sức hút” với Sử
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cho biết, dự kiến kịch bản chương trình xây dựng chỉ có khoảng 900 học sinh tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế ghi nhận hơn 1.000 người. Trong đó, ngoài học sinh, giáo viên nhà trường thì còn có nhiều phụ huynh cũng đã tích cực tham gia cổ vũ và hưởng ứng giờ học đặc biệt này cùng con em mình.
Trong khuôn khổ chương trình, diễn ra nhiều hoạt động, như: Triển lãm ảnh “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”; trình chiếu video; hoạt động trí tuệ “Theo dòng lịch sử”; trò chơi hoạt náo; trưng bày, giới thiệu các ấn phẩm, xuất bản phẩm, tác phẩm thơ, ca, được sáng tác trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình phối hợp được ký kết giữa bảo tàng và ngành Giáo dục địa phương. Trong đó có nhiều hoạt động được tổ chức, như: Tham quan, tìm hiểu bảo tàng; trải nghiệm “Chúng em là chiến sĩ”… Đặc biệt, thời gian gần đây bảo tàng đã đẩy mạnh phối hợp với các nhà trường thông qua hoạt động đưa sử đến gần hơn với học sinh.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Nhé háo hức tham gia các hoạt động hoạt náo trải nghiệm lịch sử. |
“Từ đầu năm đến nay địa phương liên tiếp diễn ra các sự kiện. Đơn vị phải phục vụ số lượng lớn khách tham quan tại bảo tàng nên chưa tổ chức đi lưu động được. Tuy nhiên, có hàng nghìn học sinh đã được các nhà trường kết nối tổ chức đến trải nghiệm tại bảo tàng. Từ tháng 9 tới nay đơn vị mới bắt đầu tổ chức đi lưu động. Trên cả sự kỳ vọng, mỗi giờ học trải nghiệm như vậy luôn thu hút số lượng học sinh, phụ huynh tham gia vượt kế hoạch”, bà Nga cho hay.
Còn theo đánh giá của thầy Hoàng Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường THPT huyện Tuần Giáo thì mặc dù đây không phải là phương pháp mới, song rất có “sức hút” đối với học sinh. Phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” này đã khiến cho không khí giờ học Lịch sử trở nên sôi động, hấp dẫn hơn.
Không chỉ vậy, theo thầy Bình, với các hoạt động hoạt náo, học sinh còn được rèn luyện nhiều kỹ năng tích cực. Cụ thể, như: Năng lực làm việc nhóm, khả năng lắng nghe, quan sát, thuyết trình, tự tin thể hiện khả năng bản thân và tự khám phá, sáng tạo giải quyết các vấn đề, tình huống phát sinh.
“Việc lồng ghép giảng dạy môn Lịch sử trong Chương trình ngoại khoá giúp các kiến thức môn học này trở nên sống động hơn. Học sinh vì thế cập nhật kiến thức theo cách gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc nhất. Thông qua đó, giúp bồi dưỡng tình yêu lịch sử trong mỗi em”, thầy Hoàng Xuân Bình - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Tuần Giáo chia sẻ.