Cặp gay đầu tiên đi kiện để được kết hôn ở Trung Quốc

Ngồi sát vào nhau trong một tiệm trà ở thủ phủ tỉnh Hồ Nam, Sun Wenlin và Hu Mingliang nắm tay nhau cùng ôn lại chuyện tình của mình.

Cặp gay đầu tiên đi kiện để được kết hôn ở Trung Quốc
cap-gay-dau-tien-di-kien-de-duoc-ket-hon-o-trung-quoc

Sun và Hu trong một tiệm trà ở Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam. Ảnh: Washington Post

"Đó là tiếng sét ái tình", Sun nhớ lại lần đầu tiên gặp Hu, sau khi quen nhau trên mạng năm 2014.

"Anh ấy cô đơn, tôi cũng cô đơn, nên chúng tôi đến bên nhau", Hu tiếp lời. Một năm rưỡi trôi qua, họ vẫn bên nhau và chuyện tình của hai người có thể sẽ đánh dấu mốc mới cho sự thay đổi trong luật pháp Trung Quốc.

Sun đang làm việc cho một công ty công nghệ cao còn Hu làm bảo vệ. Hai người muốn lấy nhau. Vào ngày kỷ niệm tình yêu tháng 5 năm ngoái, họ cùng tới ủy ban dân chính địa phương để đăng ký kết hôn nhưng bị từ chối, theo Washington Post.

Là người đồng tính nam, họ phải trải qua cảm giác lo lắng và bị cô lập trong xã hội Trung Quốc trong thời gian dài. Thế nhưng cuối cùng hai người đã tìm thấy nhau, nên họ không muốn bỏ cuộc và quyết định khởi kiện.

Mặc dù có nhiều vụ kiện về bình đẳng hôn nhân ở Trung Quốc, nhưng vụ của Sun và Hu là trường hợp đầu tiên được tòa án tiếp nhận đơn. Đây là niềm tự hào của cặp đôi, cũng như là cột mốc quan trọng cho phong trào đòi quyền bình đẳng của đồng tính nam.

Mặc dù khả năng thắng kiện rất thấp, vì phiên điều trần dự kiến diễn ra hôm qua bị tạm hoãn, nhưng vụ của Sun và Hu có thể mở đường cho những vụ tương tự. Nó cũng đã khơi mào những cuộc thảo luận tầm quốc gia về quyền của người đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT).

Tranh đấu

Li Tingting, một nhà vận động đồng tính nữ đã tổ chức hôn lễ với đối tác năm ngoái. Mặc dù pháp luật không công nhận cuộc hôn nhân này, nhưng nó đã "truyền cảm hứng" cho cộng đồng LGBT ở Trung Quốc.

"So với một thập kỷ trước, những vấn đề LGBT như kết hôn đồng tính đang được xã hội chú ý hơn", Li nói.

Hu sinh năm 1979 trong một gia đình truyền thống, được bố mẹ thương yêu ở tỉnh Hồ Nam, gần quê nhà cố chủ tịch Mao Trạch Đông. Anh biết mình bị đàn ông thu hút, nhưng không hiểu "đồng tính nam" nghĩa là gì.

"Tôi cứ tưởng rằng cả thế giới này mỗi mình tôi bị như thế", Hu nói. Mọi mối quan hệ của Hu đều phải giữ bí mật. Đàn ông đều phải kết hôn với phụ nữ, đó là điều bắt buộc, ngay cả những người thân trong gia đình cũng đều cố gán ghép anh với phụ nữ.

Hu nói với mẹ mình chỉ thích đàn ông năm 2008. Mẹ anh chỉ nói: "Con điên à?"

Sun trẻ hơn Hu, từng có đối tác trên Internet. Năm 14 tuổi, Sun biết được xu hướng tính dục của mình qua một trang mạng nước ngoài. Anh khám phá ra cả một cộng đồng đồng tính nam sôi động, cũng như thông tin về quyền của LGBT.

Tuy nhiên, Sun vấp phải sự phản đối của gia đình khi muốn công khai giới tính. Bố của Sun đá con, còn Sun thì "đấm lại bố".

Trung Quốc hợp pháp hóa quan hệ đồng tính nam vào cuối những năm 90, nhưng xã hội vẫn tồn tại sự kỳ thị. Nhiều người không thảo luận về giới tính hoặc xu hướng tình dục với gia đình, và một số cảm thấy sẽ an toàn hơn nếu cứ giả vờ bình thường nơi công sở.

Hu và Sun cho rằng công khai chuyện của hai người là động thái phản ứng sự im lặng đó.

"Chúng tôi phải dũng cảm", Sun nói. Thông qua vụ kiện, họ muốn sử dụng luật pháp Trung Quốc để thúc đẩy quyền lợi của người đồng tính nam.

Năm 2014, một tòa án Trung Quốc đã yêu cầu một bệnh viện bồi thường cho một người đàn ông bị điều trị sốc điện để "chữa" bệnh đồng tính luyến ái. Vì luật pháp Trung Quốc không bảo vệ con người theo giới tính hay xu thế tính dục, nên vụ kiện được xếp vào một vụ tranh chấp thương mại.

Mặc dù tiền bồi thường ít, chỉ 550 USD, nhưng cũng gây tiếng vang trong xã hội. Báo chí chỉ trích những thứ phản khoa học và thành kiến với người đồng tính đằng sau cái gọi là "liệu pháp chuyển đổi đồng tính nam". Vấn đề này sau đó được nhắc tới trong một báo cáo của Liên Hợp Quốc, khiến một quan chức nước này phải thừa nhận "những thách thức đời thường" mà cộng đồng gay (đồng tính nam) ở Trung Quốc phải đối mặt.

cap-gay-dau-tien-di-kien-de-duoc-ket-hon-o-trung-quoc-1

Nhà làm phim Fan Bobo bất bình vì bộ phim bị cấm chiếu. Ảnh: Twitter

Hồi tháng 9 năm ngoái, nhà làm phim Fan Popo đã khởi kiện Cục quản lý báo chí, xuất bản, phát thanh, phim truyện và truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT), sau khi đơn vị này cấm chiếu bộ phim Fan làm về các bà mẹ và những đứa con đồng tính. Thông qua vụ kiện này, Fan muốn lôi kéo sự chú ý không phải về quyền của người đồng tính, mà quyền của công chúng được biết đến cuộc đời của những người đồng tính thông qua phim ảnh và truyền hình.

Trở lại vụ kiện của Hu và Sun, luật sư đầu tiên đại diện cho họ đã phải từ chức do chính công ty luật nơi ông làm việc gây áp lực. Luật sư mới của họ là Shi Fulong cũng phải rất khó khăn mới khiến cho tòa án nhận đơn kiện. Đổi lại, họ chỉ nhận được đơn tạm hoãn của tòa án.

"Tôi rất giận", Sun nói. "Tại sao họ nói mà không giữ lời?" Hu hỏi. Tuy nhiên, cả hai vẫn tiếp tục đấu tranh, để đảm bảo quyền được sống bên nhau trong tương lai.

Hy vọng

Hơn 10 năm qua, họ thấy rằng những người thân trong gia đình đã dần chấp nhận suy nghĩ hai người đàn ông có thể gặp gỡ và yêu đương. Năm nay, họ sẽ qua Tết với mẹ của Sun, người trước đó ít lâu còn cho rằng con trai bị điên thì nay lên kế hoạch chào đón con rể tương lai bằng cách chuẩn bị nhiều món Hu thích.

Nếu bố mẹ của Sun chấp nhận sự thật này và thay đổi quan niệm, thì xã hội Trung Quốc có thể không? Nhấm nháp tách trà cuối cùng, hai người tuyên bố sẽ tranh đấu đến cùng.

"Chúng tôi có cả đời", Sun nói. "Đúng thế", Hu gật đầu.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.