Tổng giá trị sản xuất công tăng mạnh và khá đồng đều:
Theo đánh giá của Bộ Công thương, hoạt động sản xuất công nghiệp đã dần hồi phục, tuy chưa đạt được mức tăng trưởng ấn tượng như những năm trước nhưng cũng đã vượt qua giai đoạn chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế cùng kỳ năm ngoái (quý I/2009 so với quý I/2008 giảm 6,6%). Tổng kết quý I, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt 173.492 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số ấn tượng trong điều kiện hiện nay (kế hoạch cả năm là 12%)
Công nghiệp và thương mại đang phục hồi khá nhanh, (Ảnh minh họa, internet) |
Trong đó, chú ý là các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều đạt mức tăng khá với 32/34 sản phẩm tăng so với cùng kỳ. Một số sản phẩm là tư liệu sản xuất và sản phẩm tiêu dùng có mức tăng tăng cao, như: điện thương phẩm tăng 20%; than sạch tăng 10,9%; phôi thép tăng 19,4%; khí đốt tăng 24,3%...
Xét theo bình diện địa phương có 10/14 tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm có giá trị sản xuất công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng chung của toàn ngành. Điển hình như Vĩnh Phúc tăng 47,4%; Phú Thọ tăng 38,7%; Đà Năng tăng 26,2%; Bình Dương tăng 20,8%; Hải Dương tăng 19,8%; Quảng Ninh tăng 18,7%; Đồng Nai tăng 18,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,7%...
Bên cạnh đó, các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ cũng đạt được những con số tăng trưởng đáng ghi nhận. Điển hình như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (tăng 20%); Tổng công ty Thép Việt Nam (tăng 20,9%), Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam (tăng 11,5%)...
Xuất khẩu phục hồi
Trong quý I, lĩnh vực thương mại cũng đạt được những kết quả khả quan.Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 14 tỉ USD, mặc dù giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2009, song nếu loại trừ yếu tố xuất khẩu vàng đột biến của 3 tháng đầu năm 2009 thì kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2010 vẫn tăng 19,3%.
Trong đó tăng trưởng vượt trội là các các mặt hàng: dầu thô và một số nông sản, như: hạt điều, sắn, cao su, gạo, hạt tiêu... theo báo cáo chỉ riêng việc tăng giá của nhóm hàng nông sản đã làm tăng kim ngạch xuất khẩu lên khoảng 205 triệu USD; và yếu tố tăng giá đã làm tăng kim ngạch xuất khẩu trong quý I lên khoảng 957 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường Châu Á, Châu Mỹ và Châu Đại Dương có mức tăng trưởng trên 20%; thị trường Châu Âu giảm 44,4%...
Hoạt động nhập khẩu hàng hoá trong quý I cũng tăng khá mạnh với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 17,525 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2009. Trong quý I, cả nước đã nhập siêu 3,51 tỷ USD, với tỷ trọng nhập siêu/xuất khẩu là 25%.
Tăng trưởng xuất khẩu nhưng phải kiểm soát nhập siêu
Tại hội nghị này Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo: trong lĩnh vực thương mại, việc tăng trưởng xuất khẩu phải đi đôi với kiểm soát nhập siêu để đảm bảo hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ giao cho ngành Công Thương nhập siêu không quá 20% so với kim ngạch xuất khẩu.
Đồng thời, cần tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư và giải ngân các dự án đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị hoàn thành để một mặt, tăng thêm năng lực sản xuất mới, mặt khác với nhiều dự án mới hoàn thành, chúng ta sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa sản xuất trong nước để giám bớt áp lực phụ thuộc vào nhập khẩu, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2010 ít nhất trên 6%.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lưu ý trong thời gian tới, cần hạn chế tình trạng nhập khẩu những mặt hàng không thực sự thiết yếu (ô tô, điện thoại di động…) – những mặt hàng góp phần làm tăng kim ngạch nhập khẩu, tăng tỷ lệ nhập siêu. Bên cạnh đó cần hưởng ứng mạnh mẽ và đưa cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hành Việt Nam" đi vào thực chất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa do Việt Nam sản xuất.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường theo hướng giá cả hàng hóa, dịch vụ phải được hình thành trên cơ sở tính toán, rà soát chi phí hợp lý, có cơ sở.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Nếu các doanh nghiệp nhà nước gương mẫu đi đầu, tích cực trong việc xây dựng và thực hiện khung giá hợp lý, thì sẽ có tác dụng lan tỏa rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Bá Hải