Cao điểm phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại

GD&TĐ - Theo quy luật, vào thời điểm cuối năm, đặc biệt là giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng. Do đó, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại càng trở nên phức tạp, đòi hỏi sự quyết liệt, tập trung vào các điểm “nóng” nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Cao điểm phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại

Liên tục phát hiện và bắt giữ hàng lậu

Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội (BCĐ 389 Hà Nội), do thị trường Hà Nội ngày càng phát triển với tốc độ cao, giao thương hàng hóa ngày càng lớn, nên hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 6 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam (TS Natural) tại phường Hà Cầu (quận Hà Đông). Tại thời điểm kiểm tra, đã phát hiện hàng chục nghìn sản phẩm thuộc 10 dòng sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm nhãn hiệu Hàn Quốc, New Zealand nhưng không đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, tem, nhãn sản phẩm theo quy định...

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 26 phối hợp cùng tổ kiểm tra tuyến Công an TP Hà Nội và Công an quận Hà Đông phát hiện, thu giữ hơn 13.000 lọ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Đại diện cơ sở là bà Nguyễn Thị Vân (trú tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) khai nhận, toàn bộ số hàng trên là các loại sữa tắm trắng da, muối tắm trắng da mang nhãn hiệu Clarins nhập khẩu từ Pháp.

Còn Đội Quản lý thị trường số 30 kiểm tra đột xuất cửa hàng bán gạch Đinh Huế (phố Tía, thị trấn Thường Tín, Hà Nội), đã phát hiện và thu giữ gần 3.000 hộp gạch lát nền có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Royal của Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia.

Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 19 đột xuất kiểm tra cửa hàng bán gạch Tuệ Thêm (đường Chùa Thông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), phát hiện và thu giữ gần 700 hộp gạch lát nền có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu Royal.

Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, từ nay đến cuối năm là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất. Đối tượng lợi dụng những sơ hở trong quản lý đường biên, cửa khẩu của các cơ quan chức năng để vận chuyển trái phép hàng qua biên giới vào nước ta. Các đối tượng buôn lậu chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ, gian dối trong việc kê khai hàng hóa để buôn lậu, hoặc làm giả giấy tờ...

Chủ động phòng, chống

Theo Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, cuối năm là thời điểm các thương nhân tập kết hàng hóa để phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2018.

Vì thế, các lực lượng chống buôn lậu cần chủ động làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, các địa bàn trọng điểm như: Chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp, ga Yên Viên, ga Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài... Các mặt hàng trọng điểm kiểm tra là rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, sản phẩm công nghệ, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống...

Ngoài ra cũng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về công tác chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái vi phạm an toàn thực phẩm đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, qua đó giúp thương nhân nâng cao nhận thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại, đồng thời làm tốt công tác vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Bên cạnh đó, các sở, ngành thành viên chủ động nắm bắt diễn biến giá cả, cung cầu hàng hoá, dự báo tình hình, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh gây bất ổn thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ, Tết cuối năm cũng như đầu năm.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia vừa ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tập trung đấu tranh mạnh với các mặt như: Hàng may mặc, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, mỹ phẩm... không rõ nguồn gốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.