Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm cho biết, hiện nay trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào hình thành các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển heroin, ma túy tổng hợp và cần sa ở các tỉnh Bắc Lào hoạt động mạnh (nhất là mua bán vận chuyển ma túy tổng hợp tăng gấp 7 lần, cần sa tăng gấp 2 lần so với năm 2015 - 2016).
Các đối tượng tổ chức vận chuyển, tập kết ma túy ở khu vực biên giới đối diện (tập trung tại Phong Xa Lì, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sa Van Na Khệt), sau đó tăng cường móc nối vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam. Riêng heroin và cần sa, một phần nhỏ được tiêu thụ trong nước và phần lớn còn lại đi đến nước thứ 3 (sang Trung Quốc chiếm 80%), một phần được vận chuyển về Campuchia.
Còn tại tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, ma túy tổng hợp dạng đá chủ yếu được sản xuất từ tỉnh Quảng Đông- Trung Quốc. Các đối tượng thiết lập các đường dây vận chuyển với số lượng lớn về các địa bàn sát biên giới với Việt Nam (nhất là tại TP. Đông Hưng, Trung Quốc), sau đó thuê đối tượng người Việt vận chuyển qua biên giới vào nước ta.
Tuy nhiên, thời gian qua, lượng ma túy tổng hợp thẩm lậu qua biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng giảm so với năm 2016.
Trong khi đó, lượng ma túy tổng hợp được vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và tang vật. So với năm 2016, các đối tượng chủ yếu tập kết ma túy tại một số casino, khách sạn sát biên giới (trọng điểm tại Xvay Riêng, Ta Keo, Kri Vông) để vận chuyển vào Việt Nam.
Ngoài ra, lực lượng chức năng Campuchia cũng đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ vận chuyển cocain từ Nam Mỹ qua đường hàng không về Campuchia, sau đó vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ.
Cũng theo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, tuyến biên giới đất liền, các đối tượng ở địa bàn khu vực biên giới và nội địa tăng cường móc nối với đối tượng ở ngoại biên thiết lập các đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới với quy mô lớn vào Việt Nam để tiêu thụ trong nước và đi nước thứ 3 (vận chuyển heroin từ Lào vào chủ yếu đi Trung Quốc và qua đường biển đi các nước khác; vận chuyển ma túy tổng hợp từ Lào, Trung Quốc và Campuchia vào Việt Nam để tiêu thụ).
Đáng chú ý, các toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La không hoạt động công khai như trước, song tính chất manh động, sử dụng vũ khí vẫn diễn biến phức tạp khó lường.
Một số đối tượng ở biên giới phía Bắc, Tây Nguyên móc nối với đối tượng phía Nam thiết lập đường dây mua bán vận chuyển ma túy tổng hợp liên tuyến, liên tỉnh từ Trung Quốc qua biên giới tỉnh Quảng Ninh để đưa vào phía Nam, nhất là TPHCM.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng cả nước đã chủ trì bắt giữ 1.100 vụ với 1.479 đối tượng, thu giữ 2.084 kg ma túy các loại. Trong đó, phá nhổ 2.601 cây; 1.200 m2 cây thuốc phiện và 4.803 cây cần sa.
Với xu thế phát triển của công nghệ, các đối tượng còn triệt để lợi dụng các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Intagram…) để tránh bị theo dõi bởi kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng chức năng. Đồng thời, sử dụng người Trung Quốc, người Lào (nhất là những đối tượng gốc Việt mang quốc tịch Lào), trực tiếp vận chuyển để tránh rủi ro hoặc khép kín đường dây vận chuyển trong phạm vi các thành viên đã được kiểm tra, xác định rõ ràng, để tránh bị lực lượng chức năng xâm nhập điều tra.
Đặc biệt, với thủ đoạn cất giấu, ngụy trang tang vật tinh vi, đa dạng để vận chuyển, nhiều loại ma túy tổng hợp mới với mẫu mã đa dạng, được đối tượng ngụy trang “đội lốt” các sản phẩm thực phẩm chức năng, như “Trà giảm cân”, “Trà sữa”, “Đông trùng hạ thảo” hoặc cho vào thuốc thực phẩm chức năng dạng con nhộng... để dễ đối phó với lực lượng chức năng.
Dự báo, năm 2018, tình hình tội phạm trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có chiều hướng hoạt động mạnh. Trong đó, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới tập trung tuyến Việt - Lào và Việt Nam - Campuchia sẽ tăng mạnh.
Trước tình hình trên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các đơn vị Bộ đội Biên phòng sẽ triển khai thực hiện kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa trên các tuyến biên giới đất liền và trên biển dịp trước, trong và sau tết Nguyên Đán Mậu Tuất năm 2018.
Chỉ đạo, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng công tác nắm, dự báo tình hình tội phạm trên các tuyến biên giới, chủ động nắm tình hình từ xa, từ ngoài biên giới và trên biển (tập trung tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; mua bán người…). Tăng cường lực lượng, phương tiện tìm nguồn xác lập, đấu tranh các chuyên án, vụ án về ma túy trên các địa bàn trọng điểm tuyến Việt - Lào, Việt - Trung.