Những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn ở đây khiến tôi đã có ý định bỏ việc. Vậy mà nhìn thấy những đứa trẻ con của những phạm nhân đang cải tạo nơi đây không biết chữ, tôi chợt chạnh lòng và quyết định ở lại để làm thầy giáo “không chuyên” bên cạnh nhiệm vụ quản giáo phạm nhân của mình.
Những ngày làm thầy giáo “không chuyên”, tôi và mười hai đứa học trò nhỏ luôn quây quần bên nhau như người thân thuộc. Có con cá ngon, trái bắp, trái bầu… chúng đều mang tới tặng thầy. Lúc tôi đau ốm, chúng tới căn phòng tập thể của tôi để “canh chừng”; để nấu cháo, nấu những nồi xông bằng lá ổi, lá cây ngũ trảo những mong thầy chúng mau khỏi bệnh. Những lúc tôi về thăm nhà, cả lớp kéo nhau ra tận bến đò tiễn đưa với lời nhắn: “Thầy đừng về trển luôn nghe, tụi con chờ thầy xuống nghe”. Sau những lời nhắn trẻ con ấy là những đôi mắt đỏ hoe.
Một năm sau tôi được điều động về thành phố công tác và đã chuyển ngành. Khỏi phải nói cái cảnh tiễn đưa, buồn tủi đến dường nào. Vậy mà tôi đã quên lũ học trò nghèo rất nhanh chóng bởi gánh nặng mưu sinh cơm, áo, gạo, tiền.
Hôm nay, Ngày Nhà giáo 20 tháng 11, tôi tiếp đón 2 người khách xa lạ. Rất bất ngờ khi cả hai cho biết: chúng là học trò cũ của tôi trên 30 năm về trước tại trại cải tạo phục hồi nhân phẩm khi xưa. Ngạc nhiên quá, xúc động quá bởi 30 năm qua tôi đã chuyển công tác tại rất nhiều cơ quan, ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau nhưng các em vẫn tìm ra địa chỉ. Điều xúc động tiếp theo là, cả hai sau khi chúc sức khỏe thầy cũ đã trân trọng tặng tôi 2 cánh thiệp do chính tay các em làm lấy. Chúng nói: Cuộc sống của chúng hiện rất ổn định nhưng muốn tự tay làm thiệp tặng tôi để tỏ lòng kính trọng chân thành.
Tôi bật khóc, hai đứa học trò xưa cũng khóc vì xúc động. Tôi đã đọc, đã nghe, đã thấy nhiều câu chuyện rất cảm động về tình thầy trò mà cứ tưởng như mơ. Vậy mà giấc mơ đó đã đến với tôi, một người thầy giáo “không chuyên” và chỉ đứng dưới đất để giảng bài (lớp học tôi không có bục giảng) vỏn vẹn 12 tháng.
Những cánh thiệp sơ sài, lấm lem, thô kệch nhưng với tôi quả là một “báu vật” vô cùng quý hiếm mà chắc hẳn người làm đã rất vất vả cất công tìm kiếm người thầy xưa qua cuộc hành trình thời gian trên 30 năm.