Trường THPT Nhân Chính nằm trên đường Ngụy Như Kon Tum. Theo chân một phụ huynh học sinh và cũng đã có hẹn trước, tôi hồi hộp bước qua cổng trường.
Nói hồi hộp thì cũng đúng bởi không hiểu các thầy cô trong trường nhìn tôi với con mắt nào đây? Một nhà báo ư, liệu có đáng tin cậy không, liệu có săm soi, bới móc điều gì không? Bởi mấy tháng gần đây, cụm từ “nhà báo” cứ như bóng ma ám ảnh trong tâm trí của họ mà 7 bài báo kia là những ví dụ cay đắng.
Nhưng rồi cũng may, người phụ huynh kia vốn là “lính” của tôi ngày xưa, chắc là đã giới thiệu trước nên ánh mắt các thầy cô nhìn tôi thân thiện và có vẻ chờ mong một điều gì đó.
Ngoài sân trường đang giờ ra chơi, các em học sinh từng đám từng đám vui đùa với nhau. Chỗ này thì một nhóm đang tập điệu nhảy tập thể, chỗ kia lại đang “oản tù tì” vì một lý do nào đó… Nhìn các em vui chơi hồn nhiên với những ánh mắt trong veo ấy, tôi cầu mong những mưu toan của người lớn hãy tránh xa môi trường này.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Túc dáng dấp nhỏ nhắn, tóc hoa râm, mắt trầm buồn tiếp tôi bằng một tập tài liệu dày cộp. Đủ cả, đơn kêu cứu có, bản tường trình có, biên bản làm việc với cấp trên có, công văn đi đến có…
Thực ra, cả 7 bài báo nêu tựu trung lại gồm 3 vấn đề chính, một là nhà trường có biến sân trường thành bãi gửi xe để kiếm lời không? Hai là có hiện tượng trù úm khiến học sinh bị trầm cảm không? Ba là có khuất tất trong các khoản thu chi của trường không?
Trước những câu hỏi thẳng thắn của tôi, thầy Túc đặt ra trên bàn một loạt công văn và đơn kêu cứu đến các cơ quan có trách nhiệm, và cả 3 vấn đề trên được trình bày rất rõ ràng.
Xin được trích nguyên văn một đoạn trong một báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông ngày 01/10/2018:
1. Vấn đề gửi xe ô tô trong sân trường
- Nhà trường chỉ nhận trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp của giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh hoặc khách đến làm việc với nhà trường.
- Nhà trường có nội quy trông giữ xe, trong đó quy định nơi đỗ xe và quy định di chuyển xe trong sân trường. Không có hiện tượng “xe ô tô đỗ quanh sân trường” và “xe ô tô vô tư ngang nhiên ra vào cổng ngay cả khi học sinh đến trường và tan học” như Báo đã nêu.
2. Về học sinh Nguyễn Đức Minh lớp 10A6 trường THPT Nhân chính năm học 2017 - 2018
- Tất cả những thông tin Báo nêu về học sinh Nguyễn Đức Minh, về Giáo viên, về Ban giám hiệu nhà trường là hoàn toàn sai sự thật. Nhà trường xin khẳng định với ông Bộ trưởng đó là những thông tin bịa đặt nhằm vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự uy tín của cán bộ, giáo viên và Nhà trường.
- Những thông tin Báo nêu hoàn toàn đi ngược lại với thực thế mà tập thể giáo viên và Nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất (trong điều kiện cho phép) đối với học sinh Nguyễn Đức Minh trong năm học 2017-2018;
- Học sinh Nguyễn Đức Minh dù đã hoàn thành chương trình lớp 10 năm học 2017-2018, nhưng do đã nghỉ học quá 45 ngày trong năm học 2017-2018, nên không đủ điều kiện được xét lên lớp là đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
(Các biên bản họp với học sinh Nguyễn Đức Minh và phụ huynh học sinh Minh làm minh chứng)
3. Về các khoản thu của nhà trường
Theo Báo phản ánh | Thực tế nhà trường |
- Tiền học phí thu 2 kỳ | - Mức thu đúng theo quy định. - Phụ huynh đã tự nguyện thỏa thuận “Thu 4 tháng/kỳ”. |
-Tiền “Hỗ trợ chăm sóc và bồi dưỡng văn hóa” gần 1.000.000đ/ tháng. | -Nhà trường không có học sinh bán trú, nên không có khoản tiền hỗ trợ chăm sóc và bồi dưỡng văn hóa. |
-Tiền xây dựng trường | - Nhà trường không hề phổ biến và không thu. |
-Tiền thu chi học 2 buổi/ngày | -Không có học sinh bán trú học 2 buổi/ngày. |
-Tiền sử dụng sổ liên lạc điện tử | -Phụ huynh tự nguyện đăng ký sử dụng . - Phụ huynh thoả thuận sử dụng gói30.000đ/tháng. |
-Tiền quỹ phụ huynh thu 2 kỳ | -Phụ huynh có dự toán chi theo học kỳ. - Phụ huynh thu theo tự nguyện, tùy tâm, từng học kỳ. |
- Nhà trường có giấy phép và tổ chức học thêm, dạy thêm trong trường. Thực hiện đúng theo TT17 và QĐ22 của UBND TP. Học sinh tự nguyện viết đơn đăng ký xin học không quá 5 môn, có ý kiến của phụ huynh, mức thu theo quy định và theo thực tế tham gia học từng tháng.
Tiếp tôi còn có cả cô Hiệu phó Nguyễn Phương Lan. Tôi hỏi thầy Túc và cô Lan:
- Thầy và cô có dám lấy sinh mạng chính trị ra bảo đảm những thông tin trên đây là trung thực?
Cả thầy và cô đều kiên quyết:
- Chúng tôi xin bảo đảm!
Đến đây, không biết bạn đọc có suy nghĩ như thế nào nhưng riêng tôi thì cho rằng, giữa một lá đơn tố cáo không ngày tháng và không có chữ ký của đương sự với sự cam đoan trách nhiệm của tập thể lãnh đạo một cơ sở đào tạo đứng TOP 10 của Thủ đô Hà Nội, nhiều năm liền 100% học sinh thi đỗ đại học…, giữa những biên bản giấy trằng mực đen và những lời lẽ suy diễn thiếu thiện ý thì tôi nghiêng hẳn lòng tin vào các thầy, các cô của nhà trường.
Mời quý độc giả đón xem Kỳ 3: Ẩn chứa những “đòn” tiếp theo