Sau khi đọc hết tựa đề tập văn bản chồng chất trước mặt, tôi mới giật mình và hiểu ra rằng, cuộc “khủng bố tinh thần” này của các thầy cô ở trường THPT Nhân Chính không biết bao giờ mới chấm dứt. Bởi lẽ trong công văn mới nhất của tờ báo nọ ghi ngày 2/11/2018 đã yêu cầu nhà trường làm rõ 4 nội dung liên quan.
Một là, “đề nghị nhà trường cung cấp danh sách các giáo viên có xe ô tô đỗ trong sân trường cùng biển số xe, để Báo có cơ sở pháp lý xác minh và làm rõ chủ nhân ô tô biển xanh tập lái, đỗ trong sân trường là ai?”
Hai là, “đề nghị nhà trường cung cấp hồ sơ văn bản về các thông báo theo quy định của nhà trường. Làm rõ lý do vì sao nhà trường không xác nhận các khoản gia đình em Minh đã đóng góp trong năm học vừa qua ngoài học phí còn có 5 khoản thu khác được ký trong sổ của cô Phương (chú thích của người viết: Cô Phương là cô giáo chủ nhiệm của em Minh, người không được lên lớp do nghỉ học không phép quá quy định của Bộ). Đề nghị được công khai sổ thu các khoản thu khác của cô Phương giữ, có chữ ký của phụ huynh học sinh khi nộp tiền”.
Thứ ba, “về các khoản thu chi của nhà trường theo đơn phản ánh của phụ huynh học sinh có dấu hiệu lạm thu, báo đề nghị nhà trường cung cấp bản quyết toán tài chính công khai của trường báo cáo Sở GD&ĐT, 2 năm học 2016 - 2017 và 2017 - 2018”.
Thứ tư, “việc dùng tiền do cha mẹ phụ huynh đóng góp để lắp đường điện và điều hòa cho các lớp học ở trường Nhân Chính, bản chất là tiền xã hội hóa, theo quy định của Sở GD&ĐT phải báo cáo và xin ý kiến của Sở GD&ĐT, phải chăng nhà trường đã né quy định này? Nếu gọi là quà tặng thì với giá trị lớn lắp điều hòa, nhà trường đã có báo cáo với Sở chưa? Đề nghị làm rõ hồ sơ mua sắm và thi công đường điện, lắp điều hòa cho các lớp, có thu chi các khoản này theo quy định của ngành Tài chính quy định không?”
Cuối văn bản, tờ báo đề nghị nhà trường xếp lịch để đại diện Báo được làm việc với Ban Giám hiệu và kế toán nhà trường trong tuần từ ngày 14 đến 16/11/2018.
Thú thật, tôi cũng đã từng quản lý một cơ quan trực thuộc Bộ và thử đặt địa vị mình vào vị trí của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Túc trước mặt tôi đây, tự thấy rằng… bất lực! Vì không biết nên trả lời như thế nào.
Về nội dung thứ nhất, nói là xe của giáo viên đậu ở sân trường thì không nhất thiết chiếc xe ấy phải đứng tên người giáo viên ấy, mà có thể của vợ chồng, cha mẹ, con cái, rồi xe thuê, xe mượn… Vậy nếu nhà trường muốn đáp ứng trả lời chính xác thì phải điều tra, truy xét, và rất có thể vi phạm pháp luật về bí mật riêng tư cá nhân. Mặt khác, nhà trường có quyền quan hệ đối ngoại, một chiếc xe ô tô, dù đó là biển xanh hay biển trắng, là xe tập lái hay xe lái giỏi, nếu cho để nhờ thì đâu có vi phạm gì? Việc quy kết “dùng sân nhà trường làm bãi đỗ xe kiếm lời” hoàn toàn không có căn cứ trong những trường hợp này.
Về nội dung thứ hai, cái mối luẩn quẩn lại chỉ liên quan đến em học sinh không được lên lớp nọ. Việc nhà trường “không xác nhận các khoản gia đình em Minh đã đóng góp” vì nhà trường không có chủ trương thu và không thu những khoản tiền ngoài quy định. Vậy xác nhận như thế nào đây? Còn nếu là sổ ghi chép của cô giáo Phương là của cá nhân, thuộc về bí mật cá nhân được luật pháp bảo hộ. Liệu nhà trường có quyền công khai cuốn sổ này nếu không được sự đồng ý của cô giáo Phương?
Về nội dung thứ ba, việc “đề nghị nhà trường cung cấp bản quyết toán tài chính công khai của trường báo cáo Sở GD&ĐT, 2 năm học 2016 - 2017 và 2017 - 2018” quả là đã yêu cầu sai địa chỉ. Bởi đây là bảo mật trong quản trị hệ thống của mỗi tổ chức được pháp luật bảo hộ. Nếu không có yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan chức năng, như thanh tra, công an, viện kiểm sát, tòa án…, không có ý kiến của Sở cấp trên thì nhà trường không thể thực hiện đề nghị này.
Về nội dung thứ tư, yêu cầu “làm rõ hồ sơ mua sắm và thi công đường điện, lắp điều hòa cho các lớp, có thu chi các khoản này theo quy định của ngành Tài chính quy định không?” cũng lại sai địa chỉ, vì đây là quyền thuộc về các nhà hảo tâm. Theo nhà trường cho biết, trường chỉ ủng hộ chủ trương và giám sát thi công sao cho không ảnh hưởng đến hạ tầng vốn có, đến giờ giấc học tập và giảng dạy…, còn tất cả là do phụ huynh học sinh thực hiện và bàn giao nguyên trạng. Họ thu của ai bao nhiêu, chi như thế nào không biết, vậy lấy gì để có thể trả lời câu hỏi “có thu chi các khoản này theo quy định của ngành Tài chính quy định không?”.
Còn nhiều tư liệu đáng nêu nữa nhưng tôi nghĩ rằng, có lẽ chỉ nên chia sẻ sự việc này đến đây thì mọi việc đã rõ ràng rồi. Với kinh nghiệm của một người làm báo lâu năm, tôi hy vọng tờ báo nọ xem xét lại toàn bộ hồ sơ, chứng cứ của mình. Nếu muốn chống tiêu cực thì “đánh” cú nào ra cú đấy, có đủ lý lẽ với tính xây dựng cao, khiến thiên hạ tâm phục khẩu phục. Bởi đây là một cơ sở giáo dục phổ thông, chứa ẩn hàng nghìn tâm hồn trẻ thơ cùng với ngót một trăm “kỹ sư tâm hồn”, rất dễ bị tổn thương.
Và tôi cũng hy vọng rằng, các cơ quan chức năng thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chia sẻ với các thầy cô trường THPT Nhân Chính trong vụ “khủng hoảng truyền thông” này. Nếu có thể, cần cử đoàn cán bộ thanh tra đến nơi đến chốn những vụ việc mà tờ báo nọ đã nêu để cuộc “khủng bố tinh thần” này được kết thúc sớm ngày nào tốt ngày ấy.