Cảnh giác với sạt lở

GD&TĐ - Hai vụ sạt lở núi liên tiếp, vùi lấp 17 công nhân đang thi công thủy điện Rào Trăng 3 ở thượng nguồn sông Bồ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và 13 cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn cho số công nhân nói trên hôm 12/10, một lần nữa đặt ra vấn đề có nên ngủ trong lán giữa mùa mưa bão hay không?

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Còn nhớ mùa lũ năm 1999, có chuyến xe chở công nhân và một số giáo viên từ đồng bằng lên huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi) công tác. Xe chạy tới đèo Tỉnh Đội, còn cách thị trấn huyện lỵ gần 10km thì sạt lở núi ở phía trước làm tắc đường.

Đoàn người quyết định vào lán trại của công nhân đang làm đường để tá túc qua đêm. Tối hôm đó, một ngọn đồi trên đầu lán trại bất ngờ đổ sập. Hàng ngàn khối đất đá trôi xuống suối, cuốn theo căn lán cùng gần 20 người đang trú ngụ trong trại! 

Trận mưa lũ lịch sử năm 1999 ở miền Trung đã làm cho các ngọn đồi trọc ở vùng cao luôn trong tình trạng chực chờ đổ sập xuống do nước mưa ngấm lâu ngày.

Căn lán mà công nhân thi công tuyến đường lên huyện Sơn Tây nằm ở phía ta luy âm. Bên kia con đường đang thi công là vách núi dựng đứng nên việc sạt lở là điều rất dễ xảy ra. Nắm được quy luật này nên số công nhân đang làm đường không ở lại trong lán trại và họ thoát hiểm đêm đó.

Trở lại với câu chuyện hàng chục người có nguy cơ bị vụ sạt lở núi ở thủy điện Rào Trăng 3 chôn vùi hôm 12/10. Có đến 17 công nhân bị mắc kẹt trong khu vực thủy điện, bị lũ chia cắt và tính mạng bị đe dọa do sạt lở núi nên họ gọi điện cầu cứu nhà chức trách Thừa Thiên - Huế.

Mưa lũ đã được cảnh báo trước đó nhiều ngày và mức độ nguy hiểm của trận lũ dai dẳng cũng đã được các phương tiện truyền thông đưa tin liên tục nhưng những người chịu trách nhiệm thi công công trình thủy điện Rào Trăng 3 vẫn để hàng chục công nhân ở lại trong căn lán giữa rừng là điều khó chấp nhận.

Chưa kể tình trạng sạt lở núi đe dọa đến tính mạng, nội chuyện bị lũ chia cắt lâu ngày trong rừng, lỡ có ốm đau thì họ cũng sẽ phải đối mặt với hiểm nguy.

Để thi công công trình thủy điện thì việc san ủi, bạt núi mở đường là điều dĩ nhiên. Các căn lán của công nhân thi công công trình thường là tựa vào vách núi bị san ủi và rất tạm bợ. Chỉ cần một vụ sạt lở “nhè nhẹ” cũng đủ chôn vùi cả căn lán rồi.

Vì vậy, việc để lại trong lán trại hàng chục công nhân như thế giữa mùa mưa lũ là điều không nên. Ngay cả lực lượng cứu hộ cũng không nên chọn lán trại hoặc nhà tạm ở giữa rừng để tá túc qua đêm. Phó Tư lệnh Quân khu 4 cùng nhiều sĩ quan cao cấp tham gia cứu hộ cứu nạn và bị “mất liên lạc” đang rơi vào tình cảnh ở lại qua đêm trong nhà tạm này. 

Có thể, họ ở trong tình cảnh bất khả kháng nên không còn lựa chọn nào khác nhưng cần xác định việc cứu nạn cứu hộ giữa mùa mưa lũ chẳng khác nào như đi đánh giặc nên không thể để rơi vào hoàn cảnh éo le như thế. 

Bây giờ, chúng ta chỉ còn biết mong chờ vào điều tốt đẹp đối với hàng chục người đang đối mặt với hiểm nguy ở thủy điện Rào Trăng 3 mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.