Chạy ngược chạy xuôi đưa con đi chữa bệnh
Anh Nguyễn Văn Trường (ở xóm 2, xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, Nam Định) có ba người con đều bị bệnh Hemophilia. Mặc dù đã cố gắng bươn chải, làm đủ mọi việc nhưng gia đình anh vẫn không có khả năng cho các con được điều trị đầy đủ.
Hơn 6 tháng nay, cháu Nguyễn Duy Đan (con trai lớn của anh), vì bị chảy máu khớp tái phát nhiều lần gây ra biến dạng khớp, không thể đi lại bình thường được. Người bố phải cõng con lớn trên lưng, tay dắt hai đứa nhỏ từ quê lên viện điều trị. Anh chị không dám nghĩ đến một ngày nào đó, hai đứa em sẽ lại bị giống như anh trai(!?).
Cũng giống trường hợp anh Trường, chị Vũ Thị Lụa, quê ở Nam Định có hai con đều mắc bệnh Hemophilia là cháu Đồng Vũ Xuân Dương (8 tuổi) và cháu Đồng Hoàng Anh (4 tuổi). Chồng chị tâm thần không ổn định, cả ngày đi lang thang khắp làng không đỡ đần được vợ con. Gánh nặng gia đình chồng chất lên đôi vai của người phụ nữ nhỏ bé.
Một mình là trụ cột gia đình với hai con mắc bệnh hiểm nghèo, chị Lụa chỉ có một mong ước: "Tôi mong các nhà hảo tâm giúp đỡ phần nào để gia đình đỡ khó khăn. Gia đình cố gắng chạy chữa, chỉ sợ các cháu trở thành tàn tật, sẽ khổ cả đời!”.
Theo thông tin từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, bệnh ưa chảy máu nếu được chẩn đoán sớm, điều trị và bổ sung yếu tố đông máu theo định kỳ, thì ngay cả khi xảy ra chấn thương cũng không để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh.
Ở các nước tiên tiến trên thế giới và ngay cả ở nước ta, bệnh nhân Hemophilia được chăm sóc, điều trị tốt vẫn có thể có cuộc sống bình thường và còn đóng góp cho gia đình, xã hội.
Bệnh chỉ di truyền với con trai
Bác sỹ Nguyễn Thị Mai- Trưởng khoa Hemophilia, Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương cho biết, những người bị bệnh ưa chảy máu có thể bị xuất huyết không kiểm soát do một chấn thương dù rất nhỏ hay chảy máu vào các khớp và cơ bắp gây đau dữ dội, dẫn tới tàn tật, thậm chí có thể tử vong.
Theo bác sỹ Mai, do thiếu hiểu biết nên hầu hết người bệnh được phát hiện muộn gây khó khăn cho việc điều trị. Vì vậy, khi thấy xuất hiện các dấu hiệu như bầm tím, chảy máu khó cầm, ngay cả đối với những chấn thương nhỏ thì mọi người cần đi khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh sớm.
Các triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh như: Xuất hiện vết bầm tím sâu trên da; Cảm giác đau, khớp sưng do chảy máu nội bộ, có máu lẫn trong nước tiểu hoặc phân; Chảy máu kéo dài từ vết thương sau phẫu thuật hoặc nhổ răng; Chảy máu cam không rõ nguyên nhân…
Các chuyên gia khuyến cáo, máu khó đông là bệnh rối loạn chảy máu do thiếu yếu tố cần thiết để làm đông máu. Gene sản xuất yếu tố đông máu chỉ nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X, có tính di truyền. Nam giới (có bộ nhiễm sắc thể XY), khi nhận X bệnh từ mẹ thì chắc chắn sẽ biểu hiện bệnh.
Còn nữ giới (bộ nhiễm sắc thể XX), chỉ biểu hiện thành bệnh khi cả hai nhiễm sắc thể này đều trục trặc, nghĩa là cả bố và mẹ cùng mang gene bệnh. Nếu bé gái đó chỉ chứa một nhiễm sắc thể X bệnh thì sẽ không biểu hiện ra ngoài tuy vẫn có thể truyền cho con.
Vì thế, bệnh máu khó đông hầu như chỉ thấy ở nam giới, còn nữ giới rất ít bị vì xác suất cả bố và mẹ cùng mang gene bệnh là rất thấp.
Bác sỹ Mai cho biết, chỉ cần làm xét nghiệm, chẩn đoán gene bệnh là có thể lựa chọn để thế hệ sau sinh ra khỏe mạnh. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng ý thức được điều này!
GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội Rối loạn đông máu Việt Nam cho biết, hiện Trung tâm Hemophilia của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã áp dụng các biện pháp chuyên môn sâu nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị; phát hiện sớm, phát hiện mới bệnh nhân Hemophilia tại cộng đồng.
Nếu được chẩn đoán sớm và được cộng đồng dành sự quan tâm thì người có Hemophilia hoàn toàn có thể tự lập, tạo được cuộc sống ổn định và đóng góp cho xã hội. Điều quan trọng là mỗi chúng ta cần chung tay hỗ trợ và sẵn sàng giúp đỡ họ như những người thân trong gia đình.