Trong lá thư của mình, Nhân chia sẻ bộ ảnh các nước sử dụng bảng chữ cái tiếng Anh 26 chữ, còn Nhân muốn dùng đủ 29 chữ cái tiếng Việt cho bộ tranh ảnh thắng cảnh Việt Nam.
Cuốn cẩm nang du lịch nhỏ
Trả lời mail của Nhân, hai sinh viên Ấn Độ Rigved Sathe và Payal Jagwani cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng vì ý tưởng của chúng tôi lại trở thành cảm hứng cho một người bạn ở tận nơi xa xôi”.
Họ muốn Nhân hoàn thành bộ ảnh và chia sẻ với họ để có thể giúp người dân Ấn Độ biết nhiều hơn về thắng cảnh Việt Nam.
Việc đầu tiên là Nhân tìm những địa danh nổi tiếng mà tên của nó có chứa một chữ cái trong 29 chữ cái tiếng Việt. Mục tiêu của Nhân là mỗi địa danh cần chọn ra một thắng cảnh, công trình biểu tượng hoặc một nét văn hóa nổi bật.
Để có được những kiến thức này, Nhân nghiên cứu nhiều nguồn sách và tài liệu, những thông tin địa lý, diễn đàn du lịch khác nhau.
“Đặc biệt, lựa chọn ảnh rất khó khăn vì ảnh về danh lam thắng cảnh Việt Nam trong những kho chia sẻ công cộng (không cần bản quyền) thì bao la. Chọn ảnh này hay ảnh kia thật là một bài toán khó” - Nhân chia sẻ.
Ảnh được chọn còn phải phù hợp với hình dạng khuôn chữ mới đẹp và ấn tượng. “Ý tưởng cứ đến trong đầu dồn dập, nôn nóng sản phẩm ra đời, nó thúc giục tôi làm liên tục nhiều ngày”- Nhân kể.
Và sản phẩm mang tên “Việt Nam Typo-Alphabet Project” được đăng tải trên Facebook cá nhân của Lưu Trọng Nhân. 29 chữ cái được sắp xếp theo hình chữ S bản đồ Việt Nam.
Những thắng cảnh đặc trưng của Sài Gòn nằm trong chữ S. |
Chữ Â gắn với Mai Châu, Hòa Bình; chữ C là Côn Đảo; chữ Ơ là chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ; chữ N gắn với đồi cát Nam Dương, Ninh Thuận; chữ Ô là Cô Tô, Quảng Ninh... Cứ như vậy, mỗi chữ cái gắn một thắng cảnh từ Bắc chí Nam.
“Mình tạo ra bộ ảnh này một phần là đam mê đồ họa, một phần là muốn sử dụng mạng xã hội để quảng bá du lịch nước nhà. Cảnh đẹp, văn hóa được thể hiện qua con chữ, qua ngôn ngữ, tuy chưa đầy đủ nhưng mong rằng nó sẽ thể hiện được bản sắc riêng của quê hương mình”- Nhân chia sẻ.
Khách du lịch rất thích thú
Bạn Võ Ngọc Thảo (21 tuổi, du học sinh tại thành phố Sydney, Úc) đã chia sẻ bộ ảnh này trên Facebook cá nhân của mình và viết: “Rất nhiều bạn ngạc nhiên và hiếu kỳ về cảnh đẹp Việt Nam. Kể từ đó, mình liên tục được bạn bè hỏi về những địa điểm mà họ ấn tượng.
Không phải ai cũng có may mắn được đi tham quan hết cảnh đẹp tại chính quê hương mình, được du ngoạn bằng tranh ảnh và tự sưu tầm thông tin địa lý cũng là một kiểu du lịch thú vị, đỡ nhớ nhà và đem hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế”.
Thảo nói tiếp nối ý tưởng độc đáo này, một số sinh viên Úc cũng đang xây dựng bộ ảnh thắng cảnh Úc bằng cách này.
Lisa (22 tuổi, sinh viên đến từ Pháp) cũng chia sẻ bộ ảnh Việt Nam qua chữ cái cho bạn bè ở Pháp xem. Với cuốn cẩm nang du lịch điện tử này, Lisa đã chọn sẵn một lịch trình điểm đến cho mình trong suốt thời gian ở Việt Nam, trong đó điểm ấn tượng nhất là Sài Gòn với chữ S năng động.
Là một cô gái 22 tuổi mang hai dòng máu Việt - Đức, Moni Heintze đã in bộ ảnh thành cuốn album lịch treo tường để luôn nhớ về quê hương mình.
“Đây cũng là cơ hội để tôi giới thiệu với bạn bè về quê hương thứ hai của tôi. Tôi muốn lần gần nhất sẽ được đến Huế. Tôi nghe nói ở đó có hoàng cung cổ kính, phụ nữ dịu hiền và nhiều món ăn ngon”- Moni nói.
Nhìn thấy bạn trẻ trong nước và thế giới xem sản phẩm này như là cuốn cẩm nang nhỏ về du lịch Việt Nam, Lưu Trọng Nhân nói: "Nếu bạn yêu thích thì có thể in ra làm poster, bìa lịch, bưu thiếp hay đơn thuần là đóng thành sách ảnh làm quà lưu niệm cho bạn bè quốc tế. Mỗi khi nhận được món quà mang hình ảnh và hơi thở Việt Nam họ sẽ nhớ nhiều hơn về đất nước của chúng ta”.