Biến chứng nghiêm trọng
Nhiệt độ của cơ thể ở trạng thái bình thường dao động ở mức 36 - 37,5 độ C. Nếu nhiệt độ môi trường quá cao sẽ tác động không tốt đến cơ thể. Lúc này, các cơ quan sẽ không tự điều chỉnh nhiệt độ cho cân bằng được. Và đây chính là nguyên nhân gây sốc nhiệt.
Những đợt nắng nóng gay gắt với chỉ số UV rất cao có thể tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức hoặc đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ môi trường cao.
Sốc nhiệt là một loại bệnh lý liên quan tới nhiệt nghiêm trọng. Khi tiếp xúc với nắng nóng kéo dài, gắng sức khiến trung tâm điều nhiệt bị tổn thương hoặc không còn điều khiển nổi sự cân bằng đó thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng mạnh, gây rối loạn các chức năng trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh. Nghiêm trọng hơn có thể gây co giật, mất đi ý thức và thậm chí là tử vong. Vì vậy, nguyên nhân say nắng chủ yếu là tốc độ sinh nhiệt quá cao so với khả năng cân bằng nhiệt độ của cơ thể.
Thống kê tại các cơ sở y tế vào mùa Hè ghi nhận số lượng người bệnh nhập viện cấp cứu tăng cao so với các thời điểm còn lại. Trong số đó, các trường hợp sốc nhiệt và đột quỵ não, rối loạn điện giải, viêm phổi chiếm đa số.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Thắng - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.
Sốc nhiệt là trường hợp khẩn cấp đe dọa mạng sống. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Thắng, bệnh lý liên quan tới nhiệt mặc dù có thể phòng ngừa, nhưng vẫn ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người mỗi năm và có thể gây tử vong.
Sốc nhiệt cũng là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở các vận động viên trẻ, đối tượng thường xuyên phải hoạt động cường độ cao dưới trời nắng gắt. Sốc nhiệt gây tử vong với tỷ lệ lên đến 80% nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả.
“Nếu không được điều trị kịp thời, sốc nhiệt có thể nhanh chóng gây tổn thương não, tim, thận và cơ. Tổn thương càng nặng nếu điều trị càng muộn. Bệnh nhân không được xử lý kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng và có nguy cơ tử vong”, bác sĩ Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ này, nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là người già, trẻ em, phụ nữ là những người có khả năng chịu đựng kém; người mắc bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, gan, ung thư; những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng...
Ảnh minh họa: ITN |
Dấu hiệu cảnh báo cơ thể bị sốc nhiệt
Bác sĩ Lê Thị Phương - Trung tâm Y tế quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, không chỉ người già và trẻ nhỏ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, người trẻ khỏe hoạt động dưới nắng gắt kéo dài cũng có thể bị sốc nhiệt. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo để phát hiện sớm nguy cơ sốc nhiệt:
Nhiệt độ cơ thể tăng cao
Thông thường, những người vận động với cường độ cao, thân nhiệt lớn nhất có thể rơi vào khoảng 38 độ. Nếu cao hơn ngưỡng này, nhiều khả năng cơ thể đang gặp rắc rối. Khi nhiệt độ tăng cao, da sẽ chuyển dần sang đỏ đồng thời nhịp tim tăng mạnh.
Hiện tượng này báo hiệu cơ thể đang cố hết sức để điều hòa lại thân nhiệt. Khi mọi chuyện vượt quá khả năng xử lý, những hiện tượng nghiêm trọng hơn bắt đầu xảy ra như choáng váng, nhức đầu thậm chí là bất tỉnh và ngất. Chú ý tới những dấu hiệu ban đầu sẽ giúp tránh được hệ quả nghiêm trọng sau này.
Ngoài ra, nhiệt độ tỉ lệ nghịch với hiệu suất hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Rối loạn nhịp tim là dấu hiệu cho thấy tim không hoạt động hiệu quả, trong khi nước tiểu màu đỏ là hiện tượng dễ thấy và dễ phát hiện nhất khi thận của bạn “đình công”.
Buồn nôn
Buồn nôn tuy không phải là dấu hiệu đặc trưng của sốc nhiệt nhưng hiện tượng này đi kèm mệt mỏi và đau nhức cơ báo hiệu cơ thể bạn đang phải chịu đựng rối loạn thân nhiệt nghiêm trọng. Trong đó, hệ tuần hoàn bị đình trệ bởi nhiệt độ cao.
Cần bổ sung các loại chất lỏng chứa thành phần muối có khả năng bù đắp lượng muối khoáng cơ thể bài tiết qua tuyến mồ hôi. Trang bị mũ chống nắng kết hợp bổ sung nước kịp thời sẽ giúp điều hòa thân nhiệt hiệu quả, giảm thiểu tình trạng quá nhiệt cho cơ thể.
Khó thở, thở nhanh, thở nông, nhịp tim nhanh
Cơ thể cố gắng làm mát bằng cách tăng tần suất hô hấp. Quá trình này giúp lấy nhiệt từ cơ thể và tạo ra hơi nước trong quá trình hô hấp. Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao, nhu cầu oxy của cơ thể cũng sẽ tăng cao để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất tăng lên bằng cách hệ thống hô hấp và tim sẽ cố gắng bù đắp cho tình trạng thiếu oxy bằng cách tăng thông khí.
Đây là một cơ chế tự nhiên của cơ thể để cố gắng tăng cung cấp máu đến da, giúp tản nhiệt. Tuy nhiên, khi tình trạng sốc nhiệt trở nên nặng, nhịp tim có thể trở nên yếu và không đều.
Yếu cơ hoặc chuột rút
Sốc nhiệt thường gây ra mất nước và mất natri, kali và magie từ cơ thể thông qua mồ hôi và thậm chí là qua nước tiểu. Mất điện giải có thể gây ra chuột rút cơ và làm suy giảm khả năng hoạt động của cơ.
Đau nhức đầu
Do sự giãn nở của mạch máu để tăng cường tuần hoàn máu đến não, nhưng đồng thời cũng có thể là dấu hiệu của mất nước và mất điện giải. Khi cơ thể mất nước, lượng máu trong cơ thể sẽ giảm, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến não. Vì vậy, hiện tượng đau đầu có thể xuất hiện ở những bệnh nhân sốc nhiệt.
Ảnh minh họa: ITN |
Phòng ngừa sốc nhiệt do nắng nóng
Bác sĩ Lê Thị Phương khuyến cáo, người dân, người lao động nên hạn chế đi ra ngoài trong những ngày nắng nóng, đặc biệt khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.
Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt cần uống đủ nước. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.
Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng. Hãy đeo khẩu trang và che chắn bằng quần áo (như váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay, vớ chân…) có độ dày thích hợp khi ra đường.
Đặc biệt, hãy chọn những chất liệu vải thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi để có thể bảo đảm vừa bảo vệ được da từ tia cực tím, vừa không ngăn cản việc hấp thụ được vitamin D từ trong ánh mặt trời.
Bác sĩ Phương khuyến cáo, những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ nhất trong ngày như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao.
Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15 – 20 phút.
Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.
Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc.
Thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió.
Bác sĩ Phương nhấn mạnh, thường xuyên cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin khiến cho cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng. Cần ăn đủ chất bột đường, tuy nhiên, nên chọn loại thực phẩm có dạng bột đường hấp thu chậm như ngũ cốc thô, bánh mì đen. Tránh các đường hấp thu nhanh như nước ngọt, bánh kẹo… Ăn đầy đủ cá, thịt, trứng, rau, trái cây… để cung cấp đủ chất béo vitamin và khoáng chất.