Chuyên gia chỉ cách chống sốc nhiệt cho trẻ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân trẻ dễ bị sốc nhiệt và cách phòng chống, cấp cứu khi trẻ bị sốc nhiệt.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Chức năng tiết mồ hôi chưa phát triển đủ

Không ít trường hợp bị sốc nhiệt do nắng nóng, bao gồm trẻ em. Điển hình là trường hợp bé trai (14 tuổi, Long An) bị sốc nhiệt, tổn thương gan thận phải cấp cứu điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) sau khi chạy bộ quanh sân trường.

Chia sẻ về vấn đề này, BSCK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, sốc nhiệt (heat stroke) là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, khoảng 40 - 41 độ C.

Khi nhiệt môi trường gia tăng, cơ thể không có khả năng tản mát nhiệt nội sinh, hoặc sự kết hợp của 2 yếu tố này. Từ đó, dẫn đến nhiều biến chứng và nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Trong khi đó, sốt là phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng hoặc viêm; được gây ra bởi sự kích hoạt cytokine, tác động lên trung tâm điều nhiệt ở vùng hạ đồi không liên quan đến nhiệt độ môi trường và đáp ứng với thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, sốc nhiệt không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

Theo TS.BS Phạm Nguyên Quý tại Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Kyoto (Nhật Bản), Tổ chức Y học cộng đồng, trẻ em là nhóm đặc biệt nhạy cảm và rất dễ bị say nắng, say nóng.

Bởi, trẻ em chưa phát triển đầy đủ chức năng tiết mồ hôi nên thường điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bằng cách tăng lưu lượng máu đến da và giải phóng nhiệt từ bề mặt cơ thể ra môi trường xung quanh.

Hơn thế, trẻ em có diện tích bề mặt cơ thể so với trọng lượng cơ thể lớn người lớn. Do đó, trẻ rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Vì vậy, xu hướng dễ nóng lên và dễ lạnh đi cũng là một đặc điểm cần lưu ý về thể chất của trẻ nhỏ.

Khi nhiệt độ bên ngoài thấp hơn nhiệt độ da, trẻ em có thể điều chỉnh thân nhiệt sâu bên trong cơ thể bằng cách sử dụng diện tích bề mặt cơ thể lớn để tản nhiệt, giống như người lớn.

Tuy nhiên, khi nhiệt độ bên ngoài cao hơn nhiệt độ da hoặc ở những nơi có lượng bức xạ nhiệt lớn (như dưới cái nắng gay gắt mùa Hè), thân nhiệt sâu của trẻ vốn dễ nóng lại tăng lên nhiều hơn (so với người lớn). Điều đó làm tăng nguy cơ say nắng.

“Say nắng ở trẻ em có thể được ngăn ngừa nhờ sự nhắc nhở, ứng phó của những người xung quanh, bắt đầu bằng việc chú ý đến màu da và cách trẻ đổ mồ hôi. Khi ở môi trường nóng trong thời gian dài, nhất là khi mặt trẻ đỏ lên và người ra nhiều mồ hôi, có thể thân nhiệt sâu của trẻ đã tăng cao. Khi đó, nên để trẻ nghỉ ở nơi thoáng mát và bổ sung nước kèm muối khoáng”, TS Quý cho biết.

Xử trí kịp thời

Theo TS.BS Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu trẻ bị say nắng, say nóng, bố mẹ cần bình tĩnh để có cách xử trí kịp thời.

Lưu ý, trong các trường hợp say nắng, say nóng, uống hạ sốt như Ibuprofen hoặc Paracetamol cũng không làm trẻ hạ sốt.

Nếu bé hôn mê, cần gọi hỗ trợ và hồi sức tim phổi ngay.

Nếu bé còn tỉnh, hãy cho trẻ uống một ly nước lạnh. Duy trì uống mỗi 15 phút cho đến khi bé cảm thấy đỡ hơn.

Liên tục theo dõi thân nhiệt tim phổi của bé trong khi đợi bác sĩ và xe cấp cứu.

Mệt lả do nóng cũng là tình trạng nhiều trẻ gặp phải trong mùa hè khi nhiệt độ tăng cao và hoạt động, tập luyện thể lực nhiều giờ dưới trời nóng bức. Vì vậy, cha mẹ cũng cần chú ý, khi trẻ có các triệu chứng: Da lạnh, nhợt nhạt; ra mồ hôi; hoa mắt; ngất; yếu mệt cần sơ cứu ngay.

TS Duy cho biết, trong trường hợp này, phụ huynh cần gọi bác sĩ ngay lập tức. Sau đó, đặt trẻ nằm ở nơi mát mẻ, thoáng khí. Cho trẻ uống một ly nước lạnh mỗi 15 phút cho đến khi bé thấy tỉnh táo hơn.

Sau khi cho trẻ uống 2 - 3 ly nước, đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất. Từ đó, để bác sĩ đánh giá tình trạng mất nước của trẻ và điều trị bù nước phù hợp. Lưu ý, tiếp tục cho bé uống nước trên đường đến cơ sở y tế.

Để phòng tránh trẻ bị say nắng, say nóng trong mùa Hè, các phụ huynh được khuyến cáo cho bé mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi.

Không nên cho trẻ vận động ở cường độ cao và liên tục quá 2 giờ đồng hồ dưới ánh nắng Mặt trời. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cho bé ngừng ngay việc tập luyện, vận động và vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi.

Cần cho trẻ dưới 6 tháng bú mẹ nhiều lần hơn (và mẹ cũng phải uống nước nhiều hơn). Trẻ từ 6 tháng trở lên có thể cho uống thêm nước đun sôi để nguội sao cho bé đi tiểu ít nhất từ 6 - 8 lần mỗi ngày.

Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ cũng nhắc nhở con uống nước thường xuyên, tránh để bé bị mất nước.

Không thay đổi đột ngột môi trường của trẻ. Nếu trẻ vừa đi ở ngoài về, tránh cho bé vào phòng điều hòa ngay.

Không nên để trẻ chạy nhảy, ra vào giữa phòng điều hòa và không gian nóng bức bên ngoài.

Trang bị đầy đủ mũ, quần áo, kính mắt, khẩu trang hoặc che chắn cẩn thận cho trẻ trước khi đi ra ngoài trời nắng.

Nếu cho trẻ đi ô tô, tuyệt đối không để bé một mình trên xe. Khi đỗ, cần chọn nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào xe gây tăng nhiệt độ.

Cha mẹ cũng cần tắm cho trẻ bằng nước mát khi nhiệt độ ngoài trời cao, nắng nóng gay gắt. Việc này sẽ giúp điều hòa thân nhiệt của các bé.

Bổ sung dinh dưỡng và vitamin đầy đủ cho trẻ để tăng sức đề kháng và sức khỏe.

Đối với trẻ lớn, phụ huynh nên động viên con tập luyện thể thao thường xuyên giúp cơ thể dẻo dai, tràn đầy sức sống hơn, tăng khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ