Cụ thể, sau hơn 2 giờ đi xe máy từ Hà Nội về quê Phú Thọ giữa trưa nắng (từ 12 giờ đến 14 giờ), nam thanh niên 21 tuổi xuất hiện đau đầu vật vã, người nóng như than, sau đó ý thức giảm dần, gọi hỏi không biết…
Người bệnh được đưa vào cấp cứu ban đầu tại Trung tâm Y tế huyện, sau đó được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, Glasgow 5 điểm, thở qua bóp bóng, co giật toàn thân, nhiệt độ cơ thể 40,5 độ C, mạch nhanh, huyết áp tụt.
Tại đây, các bác sĩ đã thực hiện các biện pháp hồi sức và kiểm tra toàn diện để loại trừ tình trạng bất thường não, mạch não và các nguyên nhân khác. Qua kết quả kiểm tra, xác định người bệnh bị sốc nhiệt mức độ nặng, nguy cơ tử vong cao 30 - 40%. Đây là ca bệnh khó và rất nặng.
Các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để kiểm soát nhiệt độ cơ thể và các biện pháp hồi sức tích cực khác như thở máy, dùng thuốc vận mạch, lọc máu, bù nước, điện giải… Qua đó, nhằm điều chỉnh các rối loạn do tình trạng sốc và tăng thân nhiệt gây ra.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, hô hấp, tuần hoàn… dẫn đến rối loạn ý thức hoặc hôn mê.
Hiện tượng này thường gặp trong mùa Hè, đặc biệt là những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột được hấp thụ từ bên ngoài cơ thể tại nơi làm việc hoặc môi trường nắng nóng thời gian dài.
Bởi, mất kiểm soát nhiệt độ cơ thể nên sốc nhiệt có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị nhanh chóng, đúng cách. Do vậy, theo các chuyên gia, khi gặp người bị sốc nhiệt, cần đưa ngay người bệnh vào nơi mát mẻ.
Ở trong nhà là tốt nhất, nhưng nếu chưa có điều kiện hãy đưa họ vào nơi có bóng râm. Cởi càng nhiều quần áo bên ngoài càng tốt. Gọi điện thoại cho xe cấp cứu. Sử dụng quạt làm mát trong khi chờ đợi.
Cần làm giảm thân nhiệt người bệnh càng sớm càng tốt ngay tại hiện trường. Không nên chờ khi đến viện bằng một khăn ướt (vắt ráo nước), chườm mát, quạt mát. Thường xuyên đo nhiệt độ và tiếp tục làm chườm mát cho đến khi thân nhiệt giảm xuống 38 độ C (100,4 độ F).
Theo TS.BS Phạm Đăng Hải, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức nội và Chống độc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, để phòng chống nguy cơ sốc nhiệt trong mùa Hè, cần phân loại các nhóm có nguy cơ như trẻ em, người già, người có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, hô hấp, nội tiết, chuyển hóa, cơ thể suy kiệt.
Từ đó, có các biện pháp phòng chống và kế hoạch rèn luyện phù hợp. Khi có các bệnh lý nguy cơ thì không được tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng.