Thời tiết nắng nóng kéo dài là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe như say nắng, say nóng, bệnh hô hấp, đột quỵ…
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, khi đi ở ngoài trời nắng, hoạt động trong thời tiết nắng nóng, trung tâm điều nhiệt của cơ thể sẽ kích thích tuyến mồ hôi. Từ đó, giúp tiết mồ hôi để giảm thân nhiệt.
Trong một số trường hợp, khi nhiệt độ quá cao hoặc mọi người không đủ nước, quá trình điều hoà thân nhiệt không hoạt động. Hoặc, trung tâm điều nhiệt sau gáy bị rối loạn, khiến khả năng điều nhiệt không hoạt động.
Tình trạng này khiến nhiệt độ cơ thể tăng dần. Ở trạng thái bình thường, thân nhiệt duy trì mức 35 - 36 độ C. Tuy nhiên, khi không điều nhiệt được, thân nhiệt có thể tăng lên 38 - 39 độ C hoặc lên tới 40 độ C, dẫn đến sốc nhiệt.
Khi ở môi trường nắng nóng trong thời gian dài, người bệnh có thể gặp tình trạng say nóng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, thì tình trạng này có thể chuyển thành sốc nhiệt, hay còn gọi là say nắng.
“Sốc nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể không kiểm soát được, tăng lên cao. Khi đó, các mạch máu giãn ra, lượng máu cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể như tim, gan, phổi giảm”, bác sĩ Hoàng giải thích.
Khi mất nước, máu có xu hướng cô lại. Đồng thời, cơ thể cũng mất điện giải, nồng độ các chất điện giải thay đổi, ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh nói chung. Từ đó, gây tình trạng mệt mỏi lơ mơ đau đầu, các triệu chứng thể hiện ở tất cả cơ quan.
“Khi gặp bệnh nhân sốc nhiệt, điều đầu tiên cần làm là cố gắng hạ thân nhiệt xuống dưới 40 độ C, đưa vào chỗ bóng râm, cởi bớt quần áo, dùng khăn nhúng nước ấm lau vùng nách, bẹn. Nhiều người nghĩ là dùng nước lạnh dội vào bệnh nhân sẽ có hiệu quả, nhưng chưa chắc cách làm này đã tốt vì có thể gây co mạch. Nếu dội nước lên người bệnh, nên dùng nước mát”, bác sĩ Hoàng khuyến cáo.
Ngoài ra, cần kiểm tra nhịp thở, tim. Có thể cần hô hấp nhân tạo, ép tim lồng ngực nếu cần. Nếu bệnh nhân uống được, thì cần cho uống nước hoặc các dung dịch điện giải. Song, nếu bệnh nhân không tỉnh táo thì không nên uống nước, tránh gây tắc nghẽn đường thở. Sau đó, nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất.
Để phòng tránh sốc nhiệt, cần thường xuyên bù nước và điện giải. Trong quá trình di chuyển, mọi người có thể nghỉ ngơi, chứ không nên đi liên tục vài ba tiếng dưới trời nắng nóng. Ngoài ra, nên mặc trang phục thoáng mát, sáng màu để đỡ hấp thu nhiệt từ ánh sáng Mặt trời, có biện pháp che chắn sau gáy.