Cảnh báo nguy cơ 'tụt hạng' giáo dục mũi nhọn ở Điện Biên

GD&TĐ - Sự sụt giảm về tỷ lệ học sinh đoạt giải tại các kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia những năm gần đây đã đặt ra thách thức không nhỏ cho GD mũi nhọn...

Một giờ học của cô trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên).
Một giờ học của cô trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên).

Từ việc bồi dưỡng học sinh giỏi

Tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa lớp 12, Điện Biên luôn đứng thứ 3 - 4 trong 7 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Thậm chí có năm xếp thứ 2, chỉ sau Lào Cai. Thống kê trong giai đoạn 2015 - 2019, năm thấp nhất địa phương này ghi nhận có khoảng 31% học sinh dự thi đoạt giải, năm cao nhất lên tới gần 50%.

Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây (từ 2020 – 2022), số học sinh giỏi quốc gia ở địa phương này không ổn định và có chiều hướng sụt giảm. Năm học 2019 – 2020, Điện Biên có 40 học sinh dự thi thì đoạt 5 giải (13%); năm học 2020 – 2021, có 10 giải/38 học sinh dự thi đoạt giải (26%); năm học 2021 – 2022, có 11 học sinh đoạt giải (đạt xấp xỉ 23% số học sinh tham gia).

Là đơn vị chủ chốt trong công tác giáo dục mũi nhọn của Điện Biên, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được giao nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia. Theo đánh giá của nhà giáo Bùi Thị Anh, Hiệu trưởng nhà trường, có nhiều khó khăn trong công tác này, khiến kết quả không như kỳ vọng.

“Sự cạnh tranh ngày càng cao, nhất là gia tăng số lượng học sinh tham gia dự thi của các trường THPT chuyên có bề dày thành tích trong nước. Trong khi đó, số học sinh thi tuyển đầu vào trường chuyên của Điện Biên lại rất ít, nên nguồn chọn lọc hạn chế”, cô Anh cho hay. Ngoài ra, theo cô Anh phân tích, đa phần học sinh trúng tuyển trường chuyên của Điện Biên đều là học sinh giỏi từ các huyện, thị. Do điều kiện khó khăn nên nhiều em có tố chất, song lại không mặn mà tham gia đội tuyển. Đặc biệt là học sinh khối lớp 11 và 12.

Tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, để phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc gia, các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giảng dạy chuyên đề chuyên sâu từ lớp 10 đến hết lớp 11, với thời lượng 40 - 50% số tiết môn chuyên. Thông qua đó, lựa chọn học sinh có tố chất, năng lực tham gia thi học sinh giỏi các cấp, dự kiến nguồn và chọn lọc đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, đây là trách nhiệm không dễ dàng.

“Kiến thức nền cần giảng dạy cho học sinh ngày càng đòi hỏi về cả độ sâu và rộng. Sách giáo khoa chỉ chiếm một phần nhỏ. Vì thế, giáo viên phải tự nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu mới đáp ứng cơ bản được đề thi hiện nay. Chưa kể, đề thi Olympic quốc gia có nhiều kiến thức mới hoặc nội dung khai thác từ các tài liệu nước ngoài mà chúng tôi chưa được tiếp cận”, cô Dương Thị Hồng Gấm, giáo viên môn Sinh học chia sẻ.

Đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn, năm học 2021 - 2022 của Điện Biên.

Đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn, năm học 2021 - 2022 của Điện Biên.

Cần một cú hích

Tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2022, Điện Biên lần đần tiên có giải ở môn Tiếng Anh (1 giải Ba). Như vậy, sau nhiều năm gián đoạn và không đủ điều kiện thành lập do thiếu giáo viên, năm học 2021 - 2022, đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh mới được khởi động trở lại. Không chỉ có giải, khoảng cách điểm của các học sinh đạt được trong kỳ thi với điểm được xếp giải cũng đã thu hẹp đáng kể, từ 0,1 - 0,5 điểm.

Thầy Nguyễn Văn Biên, giáo viên lãnh đội môn Tiếng Anh cho biết: Địa phương quan tâm, ban hành nhiều chính sách mới. Nhà trường cũng khuyến khích, tổ chuyên môn đã chủ động xây dựng kế hoạch và đặt ra mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Sau khi thảo luận, phân tích những mặt mạnh - yếu của học sinh, tổ phân công giáo viên giảng dạy các phần kiến thức phù hợp với thế mạnh từng người.

“Với những nội dung khó, chúng tôi nhờ giảng viên có uy tín ôn luyện, tham gia thỉnh giảng trực tuyến trong điều kiện ngân sách cho phép. Cùng với đó, thầy cô trong tổ tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên các trường bạn trong khu vực, tìm kiếm thêm nguồn học liệu hữu ích, phục vụ công tác ôn luyện”, thầy Biên chia sẻ.

Đối với học sinh và phụ huynh, việc tham gia đội tuyển học sinh giỏi quốc gia là một quyết định khó khăn. Bởi vậy, nhà trường, giáo viên được giao nhiệm vụ ôn luyện đội tuyển đều xác định việc phân tích, động viên học sinh và phụ huynh là nhiệm vụ quan trọng.

“Bên cạnh xác định động cơ, tạo hứng thú, say mê học tập môn học, chúng tôi cũng chỉ rõ để các em thấy quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia đội tuyển. Cùng với đó, giáo viên luôn tạo tinh thần thoải mái cho học sinh trong, sau giờ ôn luyện. Thầy cô còn thường xuyên kết nối với học sinh đội tuyển các năm trước để động viên, tiếp lửa, truyền cảm hứng cho các em bằng nhiều cách”, cô Ngô Thị Huệ, giáo viên lãnh đội môn Lịch sử chia sẻ.

Đặc biệt, trước yêu cầu của thực tiễn và để thu hút được học sinh năng khiếu tham gia học tập và rèn luyện tại trường chuyên, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 08/2021 với nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích cả học sinh và giáo viên tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp.

Với nguồn kinh phí thực hiện hàng năm gần 3 tỷ đồng, mỗi học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi khi theo học tại trường chuyên đều được hỗ trợ chi phí phục vụ học tập hàng tháng, như mua tài liệu, tiền nhà ở… Không những vậy, khi tham gia đội tuyển học sinh giỏi từ cấp quốc gia, các em còn được hỗ trợ tiền ăn, tài liệu, vé xe đi lại…

Để khuyến khích, động viên kịp thời đội ngũ cán bộ, giáo viên có nhiều thành tích trong ôn luyện học sinh giỏi các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế, Nghị quyết này còn quy định mức thưởng cho cán bộ quản lý và giáo viên khi học sinh đoạt giải. “Đây không chỉ là nguồn hỗ trợ thiết thực, giúp giảm bớt nỗi lo, khó khăn, gánh nặng về kinh phí của gia đình các em và nhà trường, mà còn tạo cú hích để thầy cô, học sinh có thêm động lực phấn đấu. Qua đó nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo mũi nhọn ở địa phương”, nhà giáo Bùi Thị Anh nhận định.

“Khi tham gia đội tuyển, các em phải chịu áp lực rất lớn, bao gồm cả kinh tế. Chi phí tài liệu, thỉnh giảng, các hoạt động phát sinh trong quá trình ôn luyện luôn là vấn đề lớn đối với gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi chính sách ưu đãi và quyền lợi được hưởng sau khi đoạt giải lại chưa tương xứng”, cô Bùi Thị Anh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ