Điện Biên không chạy theo thành tích để đạt trường chuẩn

GD&TĐ - Tỉnh Điện Biên xác định, không chạy theo thành tích trong việc xét duyệt, công nhận trường chuẩn quốc gia.

HĐND tỉnh Điện Biên giám sát xây dựng trường chuẩn quốc gia tại huyện Mường Ảng.
HĐND tỉnh Điện Biên giám sát xây dựng trường chuẩn quốc gia tại huyện Mường Ảng.

Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh Điện Biên) vừa có cuộc giám sát chuyên đề tại 4 huyện, liên quan đến việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở địa phương này.

Khó “chồng” khó

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT địa phương, sau 6 năm thực hiện xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025), số lượng đơn vị đạt chuẩn các cấp tăng từ 53,1% (năm 2016) lên 73,9% (2021), vượt chỉ tiêu kế hoạch 20,8%.

“Các trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn đã làm tốt công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Chất lượng giáo dục toàn diện chuyển biến tích cực và ổn định. Đây là tiền đề, điều kiện thuận lợi để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu mới”, ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá này, trên thực tế vẫn tồn lại một số hạn chế, khó khăn trong thực hiện. Đơn cử, như: Tỷ lệ học sinh đi học không chuyên cần vẫn cao ở một số thời điểm trong năm, tiềm ẩn nguy cơ bỏ học giữa chừng. Một số trường, điểm trường khu vực vùng sâu, vùng xa chất lượng giáo dục còn thấp; chưa linh hoạt trong tổ chức các hoạt động dạy học...

HĐND tỉnh Điện Biên giám sát xây dựng trường chuẩn quốc gia tại huyện Tuần Giáo.

HĐND tỉnh Điện Biên giám sát xây dựng trường chuẩn quốc gia tại huyện Tuần Giáo.

Đặc biệt, khi triển khai Chương trình GDPT 2018, ngay cả những trường đã đạt chuẩn cũng gặp khó do thiếu giáo viên, nhất là các môn chuyên biệt. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học một số nơi đã xuống cấp hoặc được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Quỹ đất của nhiều trường còn hạn hẹp...

Tại huyện Tuần Giáo, theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT địa phương thì cơ sở vật chất, nhất là phòng chức năng các trường trên địa bàn hầu hết hiện nay chưa đảm bảo về diện tích. Nhiều trường được công nhận chuẩn quốc gia đã xuống cấp, song vì thiếu kinh phí sửa chữa, nâng cấp nên việc công nhận lại gặp khó...

Đơn cử tại xã Mường Thín, các trường Mầm non, Tiểu học, THCS đều có chung thực trạng. Không chỉ thiếu giáo viên, địa phương còn thiếu nguồn tuyển. Nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách cho giáo viên, học sinh (trẻ mẫu giáo từ 0 – 36 tháng tuổi); quỹ đất và kế hoạch sử dụng đất; trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo tiêu chuẩn...

Vững từng tiêu chí

Trước những ghi nhận trong quá trình giám sát, vừa qua Ban Văn hóa – xã Hội (HĐND tỉnh Điện Biên) đã có cuộc làm việc với Ngành GD&ĐT địa phương. Trên cơ sở phân tích, làm rõ hàng loạt khó khăn mang tính đặc thù, nhằm tìm ra hướng đi chung hiệu quả trong xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn tới.

Theo đó, địa phương này xác định, việc xét duyệt, công nhận trường chuẩn phải được thực hiện khách quan, không nóng vội, chạy theo thành tích. Trong đó bám sát 5 tiêu chuẩn đã được quy định để xây dựng vững từng tiêu chí, đảm bảo chuẩn trường nào vững trường đó.

Ông Cù Huy Hoàn (thứ 3 bên phải) báo cáo tình hình thực hiện xây dựng trường chuẩn quốc gia tại địa phương.

Ông Cù Huy Hoàn (thứ 3 bên phải) báo cáo tình hình thực hiện xây dựng trường chuẩn quốc gia tại địa phương.

Trước mắt là xây dựng những giải pháp thực hiện tốt, linh hoạt chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc và đảm bảo giảng dạy trước thực trạng này.

Để thực hiện được điều này, ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh Điện Biên), cho rằng: Sở GD&ĐT cần rà soát, đối chiếu các quy định mới với tình thực thực tế từng địa bàn để tham mưu UBND tỉnh công nhận trường chuẩn đảm bảo tiêu chí, phù hợp.

“Trong thẩm định, để đảm bảo khách quan cần đôn đốc, tổ chức các đoàn đánh giá có thành phần bao gồm cả những cơ quan, đơn vị ngoài ngành giáo dục. Đặc biệt là kiên quyết trình UBND tỉnh thu hồi hoặc không công nhận lại đối với những trường không đảm bảo điều kiện, không giữ được tiêu chí”, ông Lâm nhấn mạnh.

Về phía các địa phương, theo ông Lâm cần phải có kế hoạch giám sát việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn mình. Thông qua đó sẽ kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, quan tâm ưu tiên bố trí, kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất theo lộ trình cho các trường học đã, đang và sẽ đạt chuẩn trong giai đoạn tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ