Căng thẳng Ecuador có làm trầm trọng thêm khủng hoảng biên giới Mỹ?

GD&TĐ - Điều phối viên Nhà Trắng về Truyền thông Chiến lược John Kirby hôm 10/1 nói về căng thẳng đang diễn ra tại Ecuador và tác động có thể với Mỹ.

Người di cư vượt sông Rio Grande, đoạn qua thị trấn Eagle Pass, bang Texas.
Người di cư vượt sông Rio Grande, đoạn qua thị trấn Eagle Pass, bang Texas.

Theo dõi chặt

Theo ông John Kirby, hiện vẫn còn quá sớm để biết liệu cuộc khủng hoảng ở Ecuador có làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới phía nam Mỹ với Mexico hay không.

"Còn quá sớm để biết", Kirby nói khi được hỏi liệu chính quyền có lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ở Ecuador có thể làm tăng dòng người di cư đến biên giới phía nam Mỹ hay không.

"Rõ ràng đó là điều chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ", vị phát ngôn viên nói thêm.

Kirby còn chỉ ra thêm trong cuộc họp rằng ông không biết về bất kỳ cuộc đàm phán nào về việc có thể giảm sự hiện diện ngoại giao ở Ecuador trong bối cảnh bạo lực đang diễn ra.

Kirby nói: "Vào thời điểm này tôi không biết. Tôi không biết về bất kỳ thay đổi nào về việc tăng cường bảo vệ của lực lượng chúng tôi tại đại sứ quán".

Hôm thứ Hai, Tổng thống Ecuador Daniel Noboa đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày ở Ecuador sau các cuộc bạo loạn trong nhà tù và vụ trốn thoát của một thủ lĩnh băng đảng lớn, Jose Adolfo Macias Villamar, còn được gọi là Fito, khỏi nhà tù ở Guayaquil.

Một ngày sau, Fabricio Colon Pico, kẻ cầm đầu một băng đảng lớn khác ở Ecuador là Los Lobos, cũng trốn thoát khỏi nơi giam giữ.

Tổng thống Noboa nói rằng đất nước đang trong tình trạng "xung đột vũ trang nội bộ" trong bối cảnh bắt giữ con tin và bạo loạn ở nhiều thành phố và nhà tù khác nhau, đồng thời nói rằng một số nhóm tội phạm có tổ chức là tổ chức khủng bố.

Ông cũng ra lệnh cho quân đội vô hiệu hóa một số nhóm tội phạm hoạt động trong nước nhưng chưa thành công. Trong chiến dịch bầu cử mới nhất của Ecuador, ít nhất hai nhân vật chính trị đã bị sát hại.

Căng thẳng biên giới

Số lượng người di cư vượt biên giới Mỹ - Mexico đang ở mức cao kỷ lục. Trạm tuần tra cửa khẩu Del Rio, bao gồm Eagle Pass, xử lý thông tin của khoảng 4.000 người di cư/ngày trong thời gian gần đây.

"Vượt biên trái phép lúc nào cũng có nhưng trước đây nhóm lớn lắm cũng chỉ 10-12 người, nay chúng tôi ghi nhận tới 3.000 - 4.000 người/ngày. Không thể tin là lại xảy ra chuyện như vậy", trưởng trạm Eagle Pass, ông Manuel Mello, nói với CBS.

Trong khi đó, theo Reuters, phía Mỹ vừa tạm thời đóng cửa tuyến đường sắt xuyên biên giới Mỹ - Mexico (đi qua các thị trấn Eagle Pass và El Paso của Texas) do người di cư leo lên cả nóc tàu hàng để vượt biên.

Số vụ vượt biên cao kỷ lục cũng đang tác động đến chính trường, đẩy Đảng Dân chủ vào thế phòng thủ trước cuộc bầu cử năm 2024.

Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa ở cả 2 viện tiếp tục gây sức ép buộc Đảng Dân chủ và Tổng thống Joe Biden đưa ra những thay đổi lớn trong chính sách nhập cư để đổi lấy việc thông qua gói viện trợ khẩn cấp cho Ukraine.

Vào ngày 27/12, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cùng Bộ trưởng An ninh nội địa Alejandro Mayorkas và cố vấn an ninh nội địa Nhà Trắng Liz Sherwood-Randall đến Mexico để bàn cách ứng phó tình hình di dân.

Mexico cho biết họ ghi nhận khoảng 680.000 người di cư băng qua nước mình trong 11 tháng của năm 2023. Tháng 5/2023, Mexico thỏa thuận với Mỹ là sẽ tiếp nhận những người di cư Venezuela, Nicaragua, Ecuador… bị Mỹ trả về do không đáp ứng điều kiện nhập cư hoặc xin tị nạn.

Tuy nhiên, thỏa thuận này dường như không mấy hiệu quả. Chỉ tính riêng tháng cuối năm 2023, mỗi ngày đã có tới 10.000 người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới Tây Nam của Mỹ. Trong 2 năm gần đây nhất, mỗi năm Mỹ bắt tới 2 triệu người vượt biên trái phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.