Xung đột là cứu cánh?
Tờ báo dẫn lời ông Elijah Magnier (nhà phân tích quân sự và chính trị chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột ở Trung Đông), cho biết vị trí của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang gặp rắc rối thực sự khi nước này rút bớt quân khỏi phía bắc Gaza.
"Ông Netanyahu hôm nay thực sự đang gặp rắc rối. Đầu tiên, ông ấy bị tấn công bởi chính liên minh của mình trong chính phủ như bộ trưởng tài chính Smotrich.
Bộ trưởng an ninh Ben-Gvir đã cảnh báo Netanyahu nếu ông ấy dừng cuộc tấn công vào Gaza và muốn những người định cư Israel trở lại Gaza sau khi họ được người tiền nhiệm là Thủ tướng Ariel Sharon yêu cầu rời đi vào năm 2005", Elijah Magnier nói.
Chuyên gia Magnier cho biết thêm: "Mục tiêu này mâu thuẫn với thông báo của Mỹ rằng người Palestine sẽ không đi đâu và sẽ ở lại Gaza, đồng thời không được phép thực hiện bất kỳ hoạt động thanh lọc sắc tộc nào. Điều đó có nghĩa là liên minh và chính phủ của ông Netanyahu sẽ không giữ vững".
Chính quyền Mỹ phần lớn bảo vệ hoạt động quân sự của Netanyahu ở Gaza, nơi đã khiến ít nhất 1% dân số của vùng đất này thiệt mạng trong những tháng trước. Cả Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đều có lịch sử lâu dài ủng hộ mạnh mẽ Israel.
Tuy nhiên, theo Magnier, chính sách và quyết tâm ủng hộ Israel trong cuộc chiến tại Gaza của chính phủ Mỹ đã bị chính người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ đã khiến ông Biden buộc phải đưa ra những phản đối kiểu khoa trương.
Chính quyền của ông đã chỉ trích các thành viên cực hữu trong chính phủ của ông Netanyahu kêu gọi di dời người dân Palestine khỏi Gaza.
Magnier cho biết tương lai của Netanyahu có thể phụ thuộc vào việc ông Biden thất bại trong cuộc tái tranh cử vào cuối năm nay, và việc ông Donald Trump lần thứ hai trở lại Nhà Trắng.
Nhà phân tích cho biết: "Ông ấy (Netanyahu) cần tiếp tục tham gia cuộc chiến này, trước tiên là tránh sự sụp đổ của liên minh và để cuộc chiến kéo dài càng lâu càng tốt, chờ đợi với hy vọng ông Donald Trump sẽ lên nắm quyền.
Ông Trump sẽ vô cùng vui mừng khi gây áp lực lên Ai Cập để mở cánh cổng cho người dân di cư và buộc tất cả người Palestine phải di tản và trao cho ông ấy toàn bộ Gaza".
Ông kết luận: "Hy vọng duy nhất cho Thủ tướng Netanyahu lúc này là bỏ qua những gì chính quyền Biden mong muốn".
Nguy cơ mở rộng xung đột
Đối mặt với nguy cơ có thể là thất bại trong chiến dịch Gaza, Thủ tướng Netanyahu đã chuyển trọng tâm của mình sang nơi khác khi phát động cuộc chiến với lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
Tờ WSJ dẫn lời nhà phân tích Bilal Saab cho biết: "Logic chính trị đối với ông Netanyahu là phải đạt được một số thành công nào đó trong chiến dịch quân sự để thể hiện trước công chúng Israel".
Vị chuyên gia này cho biết thêm rằng: "Tôi không chắc việc tấn công Hezbollah ở Lebanon là cách làm đúng đắn vì chiến dịch đó sẽ khó khăn hơn nhiều so với chiến dịch ở Gaza".
Lực lượng Hezbollah tại Lebanon thường xuyên tập kích lãnh thổ Israel bằng tên lửa, máy bay không người lái sau khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát ngày 7/10/2023.
Hezbollah muốn thể hiện ủng hộ với lực lượng Hamas tại Gaza, đồng minh trong "trục kháng chiến" chống Israel do Iran dẫn dắt ở Trung Đông.
Hezbollah hôm 6/1 phóng 62 quả rocket vào một trạm radar của quân đội Israel ở miền bắc nước này, nhằm trả đũa vụ Israel hạ sát Saleh al-Arouri, phó lãnh đạo cánh chính trị của Hamas, tại Lebanon trước đó 4 ngày.
Đến ngày 9/1, Hezbollah tiếp tục phóng UAV vào một căn cứ ở miền bắc Israel để đáp trả, sau khi Tel Aviv không kích hạ chỉ huy đặc nhiệm của lực lượng này.
"Nhiều UAV đã được phóng nhằm vào trung tâm chỉ huy miền bắc của kẻ thù ở thành phố Safed", lực lượng Hezbollah ở Lebanon cho biết hôm 9/1.
Động thái nhằm đáp trả vụ hạ sát Wissam al-Tawil, phó chỉ huy thuộc lực lượng Radwan tinh nhuệ của Hezbollah ngày 8/1 và phó lãnh đạo Hamas Saleh al-Arouri hôm 2/1.
Phó lãnh đạo Hezbollah Naim Qassem nói nếu Israel muốn mở rộng chiến sự, nhóm sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ để răn đe.
Clip căn cứ của Israel ở thành phố Safed bị UAV của Hezbollah đánh trúng hôm 9/1. |