Tìm giải pháp gỡ khó cho gần 140 viên chức Trường ĐH Quảng Bình bị nợ lương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều viên chức, giảng viên Trường Đại học Quảng Bình bị nợ lương nhiều tháng, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Hàng loạt giảng viên của Trường Đại học Quảng Bình mất thu nhập do bị nợ lương kéo dài.
Hàng loạt giảng viên của Trường Đại học Quảng Bình mất thu nhập do bị nợ lương kéo dài.

Hàng loạt giảng viên mất nguồn thu nhập

Nhiều tháng trôi qua, hàng trăm giảng viên, nhân viên công tác tại Trường Đại học Quảng Bình bị nhà trường nợ lương, khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi không có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, những giảng viên này tiếp tục nhận thông báo có thể bị nợ lương từ tháng 1 đến hết tháng 3/2024.

Trường Đại học Quảng Bình hiện có 236 viên chức và người lao động. Trong đó, có 154 giảng viên, 82 viên chức làm công tác hành chính, nhân viên phục vụ.

Chỉ có 99 viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, còn đến 137 viên chức và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách của đơn vị.

Theo báo cáo của Công đoàn, hiện hơn 130 viên chức và người lao động của trường chưa được nhận lương từ 2 tháng đến 6,5 tháng.

Trong số đó, có 75 viên chức bị nợ lương 6,5 tháng, 30 viên chức bị nợ lương 6 tháng và 15 hợp đồng lao động bị nợ lương 2 tháng.

Ngoài ra, các khoản chi trả khác như thanh toán tiền thừa giờ, thi đua khen thưởng của giảng viên, nhân viên tại trường cũng đang bị nợ.

Trước tình trạng nhiều giảng viên, người lao động không có nguồn thu nhập do bị nợ lương, Công đoàn Trường Đại học Quảng Bình đã làm việc với Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường về tâm tư, nguyện vọng và đề nghị của người lao động.

Thế nhưng, đến nay những khó khăn và kiến nghị của người lao động về giải quyết thanh toán tiền lương theo đúng quy định chưa được thực hiện.

Theo ông Nguyễn Đức Vượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình, lý do nợ lương là do công tác tuyển sinh gặp khó khăn, lúc cao điểm trường có khoảng 10.000 sinh viên, nay chỉ còn 1.000 sinh viên (năm học 2023-2024, trường chỉ tuyển được hơn 300 sinh viên) dẫn đến số giảng viên dôi dư nhiều.

“Nguồn thu chính của trường đến từ sinh viên các ngành ngoài Sư phạm. Tuy nhiên, hiện trường chỉ còn hơn 1.000 sinh viên và hơn một nửa là sinh viên Sư phạm.

Đặc biệt, số cán bộ, giảng viên này trường tuyển ở thời điểm còn gần 10.000 sinh viên theo học. Việc này làm nguồn thu của đơn vị sụt giảm nên không có tiền để trả lương”, ông Vượng nói.

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn

Liên quan đến việc hàng loạt viên chức Trường Đại học Quảng Bình bị nợ lương, Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Bình đã đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh nghiên cứu, khẩn trương tìm giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà trường. Đặc biệt là công tác bảo đảm tài chính để chi trả lương, bảo hiểm xã hội cho cán bộ, giảng viên, người lao động, nhằm ổn định tình hình, giúp cán bộ, giảng viên, NLĐ yên tâm công tác.

Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ Trường Đại học Quảng Bình thực hiện bảo đảm kế hoạch chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.

Trường Đại học Quảng Bình được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ. Ảnh: H.Sâm

Trường Đại học Quảng Bình được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ. Ảnh: H.Sâm

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình, trường đã được giao tự chủ nên tỉnh chỉ có trách nhiệm lo cho số 99 người hưởng lương từ ngân sách.

Còn lại, hơn 130 người còn lại là do trường tự tuyển dụng nên trường phải tự quyết định về các chính sách liên quan để phù hợp với hiện trạng thực tế.

Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Bình đang chờ báo cáo cụ thể của Trường Đại học Quảng Bình.

Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị Trường Đại học Quảng Bình cần phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu các đề tài khoa học để tạo nguồn thu bảo đảm cho hoạt động.

Bên cạnh đó, cần sớm rà soát, xây dựng và hoàn thiện đề án sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, giảng viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả, từng bước thực hiện bảo đảm lộ trình tự chủ tài chính.

Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình cho biết, để tháo gỡ khó khăn này, nhà trường đã tiến hành xây dựng đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy, nỗ lực trong công tác tuyển sinh…

Tuy nhiên, đến thời điểm này, trường không còn khả năng để trả lương. Trước mắt, nhà trường chỉ có thể đủ nguồn đóng bảo hiểm xã hội, còn tiền lương của gần 140 viên chức, NLĐ tiếp tục nợ. Do đó trường mong muốn tỉnh và các ban, ngành liên quan quan tâm và có giải pháp hỗ trợ.

Được biết, ngoài nợ lương, mới đây Trường Đại học Quảng Bình còn bị Bảo hiểm xã hội tỉnh này công bố nợ 232 cán bộ, nhân viên khoảng 2 tỉ đồng tiền nộp bảo hiểm xã hội. Chưa kể, nhiều khoản chi trả khác như: thanh toán tiền thừa giờ, thi đua khen thưởng của giảng viên, nhân viên cũng đang bị nợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.