Khoảng thời gian trải nghiệm đó đã cho Thanh Thiên một cái nhìn rộng hơn về thế giới xung quanh cũng như những cảm nhận đáng quý về cuộc sống, con người, lắng nghe bản thân, để thấy càng đi lại càng muốn trở về!
Sau thời gian dài gap year, hiện Quách Thanh Thiên đang là sinh viên của University of the People - một trường đại học online của Mỹ, đồng thời tham gia điều hành tổ chức VCIL về các lĩnh vực giáo dục thay thế, phát triển bền vững, tinh thần kiến tạo cũng như điều phối dự án giáo dục thay thế mà VCIL đang thực hiện - The Soil Project.
Chọn “ngồi thật yên” để ngẫm lại mình |
Có lúc dịch chuyển, có lúc lại chọn “ngồi thật yên” để ngẫm lại mình
Quách Thanh Thiên đã đi qua 5 quốc gia ở Đông Nam Á và vừa trở về từ Johor Bahru, Malaysia sau một hội nghị dành cho các bạn trẻ đến từ nhiều nơi của châu Á, Trung Đông và châu Phi. Đi nhiều nhưng Thiên tự nhận xét bản thân không phải là người thích dịch chuyển!
Nghe có vẻ không logic, nhưng Thiên lý giải: “Đối với tôi, việc dịch chuyển không quan trọng bằng việc mình học được gì sau những lần dịch chuyển đó vì chỉ dịch chuyển thôi thì không làm người ta trưởng thành mà óc quan sát, tính tò mò cùng khả năng học hỏi không ngừng mới là những thứ giúp chúng ta lớn lên từng ngày. Cho nên, có lúc tôi sẽ cho mình cơ hội được tiếp xúc với những vùng đất, con người mới, có lúc tôi sẽ chọn “ngồi thật yên” để ngẫm lại mình.
Trong từng chuyến đi của mình, Quách Thanh Thiên luôn chuẩn bị sẵn những câu hỏi, mang theo mình những mục đích rõ ràng để học hỏi, để kết nối, trải nghiệm và làm mới bản thân. Với Thanh Thiên, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, thậm chí từng vùng khác nhau trong một quốc gia cũng đều mang trong nó những giá trị văn hóa, lịch sử, tính cách và cách suy nghĩ khác nhau cho nên việc đi đến những nơi khác nhau làm Thiên tiếp xúc được nhiều nền văn hóa và cách suy nghĩ, làm việc khác nhau, rồi từ đó ngoài việc tiếp thu những thứ hay đẹp, mở rộng các mối quan hệ thì bản thân cũng trở nên cởi mở, thấu hiểu và tôn trọng những khác biệt hơn.
Thiên kể về những ngày ở Biển Hồ, Campuchia, có lúc cậu đã khóc, khóc cho phận người ở đây và khóc vì tình người của người ông cụ 80 tuổi vừa qua cơn tai biến nhưng vẫn miệt mài hàng ngày phải chăm lo cho hàng trăm đứa trẻ được đến trường, được ăn, được học miễn phí.
Những cộng đồng ở Thái Lan dạy Thiên bài học về lối sống bền vững, về thứ gì là quan trọng trong đời mình và cả những giải pháp cho những vấn đề nông nghiệp, môi trường mà Việt Nam đang phải đối diện.
Singapore giáo dục Thiên về tinh thần quật cường, vượt khó, vươn lên từ chính những khó khăn của mình khi tận mắt chứng kiến sau hơn 50 năm đi lên từ con số 0, không tài nguyên, không nhân lực để giờ đây trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về nhiều mặt. Cùng đó là bài học về văn hóa Hồi giáo và sự chung sống trong hòa bình của đa dạng các sắc tộc ở Malaysia.
“Hơi tham lam nhưng tôi đều muốn quay lại tất cả những nơi mình từng đi qua. Với tôi, những bài học, những kỉ niệm đã trở thành một phần làm nên con người tôi. Hơn nữa, mỗi nơi đi qua đều để lại trong tôi những tình bạn, những mối quan hệ thật đẹp. Cho nên, ai mà không muốn quay lại nơi đã không những nuôi dưỡng mình mà quan trọng hơn còn có bạn bè và người thương mình chứ!” – Thanh Thiên chia sẻ.
Lớp học của trẻ em ở Biển Hồ, Campuchia |
Đừng ngồi yên ước mơ hay chờ ai cho cơ hội!
Theo Thanh Thiên, sau những chuyên đi, cậu thấy mình thay đổi rất nhiều, mở rộng mối quan hệ, sự quan tâm cũng như cho bản thân nhiều hơn những cơ hội.
Quách Thanh Thiên bày tỏ mong muốn tất cả những người trẻ đều cho bản thân cơ hội được bước ra những vùng đất mới, tiếp xúc với những người xa lạ, liên tục thoát ra khỏi vùng an toàn của mình để thấy mình còn dở, còn thiếu sót để cải thiện, để thấy thế giới rộng lớn hơn, để chấp nhận những khác biệt và cũng để thấy mình được lớn lên qua hành trình đó.
Lời khuyên của Thanh Thiên với các bạn trẻ: Điều đầu tiên là hãy tự khích lệ bản thân, không cần ngồi yên ước mơ hay chờ đợi ai cho cơ hội mà hãy tự tạo cơ hội cho mình, dám tự mình làm điều mình muốn, hãy tự xách ba lô lên và đi. Tiếp đó xác định mục đích, mong muốn của mình.
Hãy tự đặt những câu hỏi và mở lòng ra trong tâm thế học hỏi, trang bị cho mình những kiến thức, thông tin cần thiết cho chuyến đi. Đồng thời, xác định tâm thế chấp nhận những thay đổi có thể xảy ra trong chuyến đi đó.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là vốn ngoại ngữ. Kinh nghiệm của Thanh Thiên cho thấy ở các nơi cậu từng đến, việc tìm một người bạn bản địa là điều nên làm, bởi chỉ có họ mới am tường nơi đó, là một nguồn thông tin và trợ giúp quý giá. Thanh Thiên đã không thể đến được những vùng đất mà không phải khách du lịch nào cũng đến được ở Thái Lan hay hiểu biết sâu hơn về Singapore nếu như không có những người bạn bản địa nơi đây.
Quách Thanh Thiên (thứ hai từ trái qua) cùng các bạn quốc tế trong một Hội nghị ở Philippines |
Mong đem kiến thức được học áp dụng ở quê nhà
- Đi nhiều, trải nghiệm nhiều, Thiên có muốn dừng ở một quốc gia nào đó, ghi danh để học tập không?
* Thật ra càng đi thì tôi càng muốn trở về. Một phần là vì tôi mong muốn mang những thứ mình học về áp dụng ở quê nhà, một phần là thế giới còn nhiều nơi và nhiều thứ cần phải học tập, tôi chưa muốn dính mắc vào một nơi chốn nào hết.
Những ngày ở Thái Lan, trông thấy cách con người sống bền vững và hạnh phúc với tự nhiên, với nông nghiệp rồi ngẫm lại người nông dân ở quê mình còn đang vật lộn để mưu sinh; nông sản, lúa gạo có rất nhiều thuốc trừ sâu, diệt cỏ, nguồn nước, những dòng sông cũng bị ô nhiễm bởi hóa chất làm động lực cho chúng tôi mang những kiến thức và mô hình phát triển bền vững về Việt Nam.
Những thứ thu lượm được từ nhiều hội nghị, chương trình đạo tạo cùng cơ hội tiếp xúc những bạn trẻ tài năng đến từ nhiều nơi trên thế giới khiến em càng muốn mang những kiến thức này về cho người trẻ ở Việt Nam.
Năm 2017 là những chuyến đi đến các nước Đông Nam Á. Năm 2018 tôi không có kế hoạch cụ thể nào mà sẽ tiếp tục làm những gì mình đang làm và tập trung nhiều hơn vào dự án mình đang triển khai cũng như mang những kiến thức tôi đã học tập được về chia sẻ và áp dụng ở quê nhà.
100 – 150 USD cho 1 tuần gap year ở Singapore!
Vì phần lớn những chuyến đi dành cho học tập và công việc nên chi phí thì phần lớn được chi trả toàn phần hoặc một phần bởi các đơn vị tổ chức hoặc các trung tâm, đối tác của dự án mà Quách Thanh Thiên đang thực hiện - The Soil Project. Còn những chuyến đi cá nhân hay học tập của The Soil Project ở nước ngoài đều được Thiên sắp xếp rất kĩ càng để giảm thiểu chi phí xuống mức tối đa, có khi chỉ tốn khoảng 100 - 150 USD cho gần một tuần ở Singapore, Malaysia. Về thời gian, do lựa chọn học ở trường trực tuyến nên Thiên có thể hoàn tất bài tập ở mọi nơi miễn là có kết nối internet.