Trao đổi với GD&TĐ, chị Võ Thị Hoàng Yến đã chia sẻ về những khát vọng, dự định, kế hoạch của mình sau thời gian tu nghiệp chương trình tiến sĩ tại Australia.
- Được biết chị mới hoàn thành xong chương trình Tiến sỹ của Học bổng Chính phủ Australia trở về Việt Nam. Chị có thể chia sẻ cảm nhận của chị khi trở về nước?
* Mới về nước, lại phải lo sắp xếp công việc ở Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) để lại đi công tác xa nên cũng khó mà cảm nhận thấu đáo được mọi điều. Thoáng trên đường từ nhà đến văn phòng thì thấy nhiều thêm những công trình xây dựng mới. Trong mạng lưới các tổ chức xã hội cũng thấy đồng nghiệp tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho những hội thảo về các vấn nạn xã hội hay chia sẻ kinh nghiệm làm việc cộng đồng với nhau. Và có thêm những đồng nghiệp trẻ tham gia câu lạc bộ công tác xã hội nữa!
Chị Võ Thị Hoàng Yến tại sự kiện văn hóa của cộng đồng người châu Á tại Australia |
- Chị tham gia rất nhiều hoạt động vì người khuyết tật tại Australia, điều chị học hỏi được là gì? Và chị dự định áp dụng những điều đã học được đó khi trở về Việt Nam như thế nào?
* Trong những năm học Tiến sỹ thuộc Chương trình Học bổng Chính phủ Australia, tôi thường tham gia các hội thảo có sự tham dự của những tổ chức nghiên cứu hay có chương trình hỗ trợ người khuyết tật để chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, vận động chính sách hoặc đóng góp ý kiến cho các chương trình liên quan đến người khuyết tật của Chính phủ Australia.
Tôi nghĩ những hoạt động liên kết và chia sẻ như thế cũng rất cần thiết cho Việt Nam bởi vẫn còn khoảng cách lớn giữa những chính sách hỗ trợ người khuyết tật và việc thực hiện các chính sách đó. Thêm nữa, việc thực hiện chính sách giữa các các địa phương cũng khác nhau.
- Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi chúng ta gặp khó khăn thì dường như chỉ xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực, dù bản thân biết không nên nhưng thật sự rất khó để loại bỏ những suy nghĩ đó. Những lúc như vậy, chị thường làm gì để có thể vượt qua nó?
* Thật tình là không dễ loại được ngay những suy nghĩ bi quan hay tiêu cực đâu. Tôi cũng phải trải qua một quá trình luyện tập để có được một thói quen tích cực như bây giờ.
Những lúc bi quan tôi thường tìm xem đâu là nguồn gốc của những suy nghĩ tiêu cực của mình. Nó là do mình hay do những tác động bên ngoài. Có phải do mình mong đợi nhiều quá? Do mình đang muốn làm một điều quá sức mình khi điều kiện chưa cho phép? Do mình đang quá thương bản thân mà quên thực sự lắng nghe để hiểu tại sao người khác không ủng hộ mình? Do mình không đặt mình trong hoàn cảnh của người khác để hiểu tại sao họ thờ ơ đến như vậy?
Khi mình biết được đâu là nguồn gốc bên trong của những suy nghĩ tiêu cực này thì mình có thể hóa giải được nó. Còn nếu nó là những tác động bên ngoài thì mình suy nghĩ, phân tích xem mình có tác động được gì đến nó không.
Nếu có một hy vọng vào một hướng giải quyết nào đó thì mình sẽ thử đi tiếp theo hướng này. Còn nếu những điều đó nằm ngoài khả năng của mình lúc đó hoặc không tìm được hướng giải quyết thì mình chấp nhận thực tế và không suy nghĩ thêm về nó nữa.
Chị Võ Thị Hoàng Yến và các bạn học viên trong Chương trình học bổng Năng lực lãnh đạo Australia tại Canbera |
- Được biết chị vừa là giảng viên đại học vừa là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) – mái nhà ấm áp nơi vun đắp các nỗ lực của cá nhân và cộng đồng người khuyết tật. Với những kiến thức và kỹ năng đã học tại Australia, chị có dự định phát triển DRD như thế nào trong tương lai?
* Với những kiến thức và kỹ năng học được tại Australia, tôi mong muốn xây dựng DRD theo hướng trở thành một trung tâm thực hành CTXH chuyên nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực người khuyết tật và thanh thiếu niên. Trước hết, là xây dựng ở TP. Hồ Chí Minh như một mô hình mẫu. Ở đó, các dịch vụ xã hội như tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, thông tin, v.v… sẽ được cung cấp cho người khuyết tật và những nhóm dễ bị tổn thương khác.
Trung tâm là nơi thân thiện và dễ tiếp cận với người khuyết tật, nơi họ có thể gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và học tập các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Những nhóm đồng cảnh được hình thành và dẫn dắt bởi các anh chị nhân viên xã hội được đào tạo chuyên nghiệp và có kinh nghiệm. Trung tâm cũng sẽ là nơi hướng dẫn thực hành cho các em sinh viên CTXH hay các ngành liên quan. Cái khó là tìm kiếm được tài trợ và một mặt bằng đủ rộng cho các hoạt động dự định.
Ở Australia, những hoạt động hỗ trợ cộng đồng như vậy đều được ủng hộ và nhận được tài trợ toàn phần của chính phủ. Từ trước đến giờ DRD chỉ mới nhận tài trợ từ các tổ chức quốc tế hay chính phủ nước ngoài như Mỹ, Ireland, Hàn Quốc, và Australia. Chắc là tôi phải tiếp tục viết dự án và tìm kiếm tài trợ cho ý tưởng này.
- Chị có thể tiết lộ dự định của chị trong thời gian tới?
* Có lẽ tôi hơi tham lam một chút!Tôi vẫn tiếp tục điều hành các hoạt động của DRD và tham gia các hoạt động của Liên Hiệp Hội về Người Khuyết Tật Việt Nam trong vai trò Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam. Đồng thời tôi vẫn thích làm việc với các em sinh viên và thanh niên nên đó cũng là một trong những ưu tiên. Tôi sẽ dành thời gian tham gia giảng dạy, tập huấn kỹ năng hay nói chuyện với các em, nếu được mời!
Một kế hoạch quan trọng nữa là dành thời gian để chuyển luận văn của tôi thành sách, vì giáo sư của tôi và tôi tin rằng nó sẽ giúp ích cho các chương trình hỗ trợ người khuyết tật và những cộng đồng thiệt thòi khác. Còn một ý tưởng khác nữa, khá lớn, thì tôi xin tạm thời chưa tiết lộ!
- Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi!