Tiếp bài “nữ giám đốc bị cáo buộc chiếm đoạt tiền tỷ ở Cao Bằng”:

Cần xem xét giải quyết vụ án một cách công minh

GD&TĐ - Trong quá trình thụ lý vụ án, chuyên gia pháp lý cho rằng cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng đã không đưa ra được những căn cứ buộc tội thuyết phục.

Dự án Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng.
Dự án Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng.

Chậm bàn giao mặt bằng, nguồn cơn của mọi rắc rối

Trước đó, GD&TĐ đã đăng tải nhiều bài viết đưa ra những nhận định cho thấy có nhiều dấu hiệu oan sai trong vụ án bà Quản Thị Thu Hiền (Giám đốc Công ty Trường Phúc Hoàng) bị tuyên phạt 8 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong bài viết này, Báo GD&TĐ tiếp tục đăng tải những ý kiến phân tích của chuyên gia pháp lý nhấn sâu vào những điểm được đánh giá là nguyên nhân dẫn đến vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai. Trước phiên xét xử theo trình tự phúc thẩm sắp diễn ra tới đây, người thân của bị cáo Quản Thị Thu Hiền cũng như luật sư kiến nghị cơ quan tố tụng cần phải làm rõ những nội dung này.

Trong vụ án này cần phải xác định rõ quan hệ pháp luật. Việc xây dựng hồ sơ để đấu thầu rộng rãi dự án Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng do chủ đầu tư là Sở LĐTB&XH Cao Bằng thực hiện. Các trình tự thủ tục liên quan đến dự án, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Sau khi có kết quả trúng thầu, các bên đã xác lập hợp đồng xây dựng theo quy định.

Các nội dung trong hợp đồng có quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trên cơ sở đề nghị giao kết hợp đồng. “Khi tham gia ký kết hợp đồng, Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng cũng chỉ là một chủ thể tham gia quan hệ pháp luật thương mại và bình đẳng với các chủ thể khác theo quy định của pháp luật. Việc đơn vị này vi phạm điều 7 của hợp đồng (về thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng) được xác định là hành vi vi phạm nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại đối với Công ty Trường Phúc Hoàng.

Cũng theo chuyên gia pháp lý, trong quá trình thụ lý vụ án, cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng đã đánh giá không đúng, không toàn diện và đầy đủ các quy định của pháp luật khi sử dụng các chứng cứ, nhận định không phù hợp, sai lệch bản chất các quy định của pháp luật để buộc tội bà Quản Thị Thu Hiền.

Mặc dù được hợp đồng xây dựng được ký kết từ năm 2016 nhưng mãi đến năm 2019, Sở LĐTB&XH Cao Bằng mới thực hiện bàn giao mặt bằng cho Công ty Công ty Trường Phúc Hoàng để thi công gói thầu số 2 của dự án.

Mặc dù được hợp đồng xây dựng được ký kết từ năm 2016 nhưng mãi đến năm 2019, Sở LĐTB&XH Cao Bằng mới thực hiện bàn giao mặt bằng cho Công ty Công ty Trường Phúc Hoàng để thi công gói thầu số 2 của dự án.

Cụ thể, ngoài việc không gửi thư tu chỉnh của ngân hàng cho Sở LĐTB&XH Cao Bằng, hay chiếm giữ trái phép số tiền tạm ứng là hơn 9,6 tỷ đồng (đã được phân tích ở các bài viết trước đó), cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng còn dựa vào những nhận định như: Sử dụng tiền tạm ứng vào mục đích khác; không có khả năng gia hạn bảo lãnh hay phải đi vay mượn để trả tiền tạm ứng để làm căn cứ cáo buộc bà Quản Thị Thu Hiền phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Với những nhận định trên của cơ quan tố tụng, luật sư Lê Văn Thiệp, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại điều 175 BLHS năm 2015. Về căn cứ buộc tội “Sử dụng tiền tạm ứng vào mục đích khác”, Luật sư Thiệp cho biết, sau khi ký hợp đồng, theo quy định thì chủ đầu tư phải bàn giao mặt bằng là địa điểm xây dựng công trình cho bên nhận thầu.

Việc quy định thời hạn giao mặt bằng thi công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đó là căn cứ để thực hiện quy định về thời hạn của hợp đồng. Ngoài vấn đề thời hạn thì đơn giá vật tư, vật liệu, nhân công, máy móc thiết bị cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận thầu.

“Việc bên nhận thầu sử dụng vào mục đích hợp pháp không thỏa mãn hành vi khách quan của tội Lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Điều 175 quy định rõ “Bằng giao dịch hợp pháp giành được tài sản nhưng sử dụng vào mục đích bất hợp pháp” mới thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội phạm.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, bên nhận thầu sử dụng để thanh toán các giao dịch hợp pháp cho các hợp đồng xây dựng công trình khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng sẽ phát sinh nghĩa vụ thanh toán của các chủ thể tham gia ký kết các hợp đồng này và tài sản vẫn tồn tại trên thực tế và được ghi vào mục “có” trong bản cân đối kế toán của bên nhận thầu là Công ty Trường Phúc Hoàng”, Luật sư Thiệp phân tích.

Còn nhiều vấn đề ở căn cứ buộc tội

Về căn cứ buộc tội “Không có khả năng gia hạn bảo lãnh hoàn tạm ứng”, luật sư cho rằng, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì việc bảo lãnh chỉ là biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong trường hợp bên được bảo lãnh không tự mình thực hiện nghĩa vụ.

Trong vụ việc này, để thu hồi tiền tạm ứng thì Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng phải mời đại diện Công ty Trường Phúc Hoàng đến để lập biên bản có nội dung đề nghị chấm dứt hợp đồng trước khi có văn bản đề nghị hoàn trả tiền tạm ứng.

Nếu Công ty Trường Phúc Hoàng cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại thì họ có quyền khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại tại tòa án nhân dân có thẩm quyền. Bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án mới là căn cứ để thi hành.

“Trong vụ việc này, sau thời gian gia hạn cuối cùng, bên nhận thầu đã trả lại tiền tạm ứng sau khi trừ phần giá trị đã thực hiện theo hợp đồng. Như vậy, việc trả lại này gây thiệt hại cho bên nhận thầu là Công ty Trường Phúc Hoàng . Nhà thầu vẫn thực hiện mặc dù hợp đồng xây dựng công trình vẫn đang còn hiệu lực và chưa có bên nào đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Việc chậm bàn giao mặt bằng để thi công dự án kéo theo nhiều vấn đề như giá nguyên vật liệu và thời hạn bảo lãnh từ phía ngân hàng.

Việc chậm bàn giao mặt bằng để thi công dự án kéo theo nhiều vấn đề như giá nguyên vật liệu và thời hạn bảo lãnh từ phía ngân hàng.

Ngay khi bên nhận thầu tự mình thực hiện nghĩa vụ thì quan hệ bảo lãnh không còn giá trị pháp lý vì đối tượng của hợp đồng bảo lãnh hoàn tạm ứng không còn nên việc cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng coi đây là hành vi khách quan thể hiện ý chí chiếm đoạt là không có căn cứ và trái pháp luật rất nghiêm trọng”, luật sư Thiệp cho hay.

Về căn cứ buộc tội bà Quản Thị Thu Hiền rằng “Công ty Trường Phúc Hoàng phải đi vay mượn tiền để trả tiền tạm ứng”, việc doanh nghiệp thực hiện các giao dịch dân sự hợp pháp để vay mượn tài sản là việc làm bình thường, không trái pháp luật, đạo đức xã hội và không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Với những quan điểm và lập luận được đưa ra sau khi phân tích hồ sơ vụ án, Luật sư Thiệp khẳng định các căn cứ dùng để buộc tội bà Quản Thị Thu Hiền là không có cơ sở và không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Điều 175 Bộ luật Hình sự hiện hành. Một số hành vi mà cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng nêu là hành vi vi phạm hành chính đã được quy định cụ thể trong Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.

Hiện vụ án đang được Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội giải quyết, xử lý theo trình tự phúc thẩm. Vụ án sẽ được giải quyết một cách khách quan, nhiều vấn đề sẽ được làm sáng tỏ trên tinh thần thượng tôn pháp luật để tránh oan sai người vô tội, cũng như không bỏ lọt tội phạm nếu có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ