Tiếp bài: Nữ giám đốc bị cáo buộc chiếm đoạt tiền tỷ ở Cao Bằng

Hình sự hóa quan hệ pháp luật kinh tế?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phân tích hồ sơ vụ án, chuyên gia pháp lý cho rằng vụ án có dấu hiệu oan sai, nhiều vấn đề cần được làm rõ tại phiên xét xử phúc thẩm sắp tới.

Hiện trạng ngổn ngang tại diện tích đất để thực hiện dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng.
Hiện trạng ngổn ngang tại diện tích đất để thực hiện dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng.

Chủ đầu tư dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng không thể bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu để thi công công trình là nguyên nhân chính dẫn tới nhà thầu không thể thực hiện xây dựng hạng mục công trình theo kế hoạch.

Nhà thầu đã nhiều lần có văn bản thúc chủ đầu tư bàn giao mặt bằng để thi công, nhưng sau nhiều năm họ vẫn không được bàn giao mặt bằng. Cho đến thời điểm hiện tại, Hợp đồng thi công xây dựng công trình vẫn đang có hiệu lực, nhà thầu đang thi công dở dang công trình dự án thì bị khởi tố, truy tố, xét xử về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Phân tích hồ sơ vụ án, chuyên gia pháp lý cho rằng vụ án này có dấu hiệu oan sai, nhiều vấn đề cần phải được làm rõ một cách minh bạch, khách quan tại phiên xét xử phúc thẩm sắp tới.

Nhà thầu thiệt nặng vì chủ đầu tư bế tắc trong giao mặt bằng xây dựng

Như GD&TĐ đã thông tin ở bài viết “Có dấu hiệu oan sai vụ nữ giám đốc bị cáo buộc chiếm đoạt tiền tỷ”, vào năm 2015, Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng được cấp vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ giai đoạn 2016 – 2020 để thực hiện Dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng. Dự án này do Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư.

Thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Trường Phúc Hoàng (sau đây gọi tắt là Công ty Trường Phúc Hoàng) do bà Quản Thị Thu Hiền làm giám đốc đã trúng gói thầu số 02 xây nhà đa năng trị giá hơn 26 tỷ đồng.

Ngày 26/12/2016, Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng do ông Hà Minh Trần đại diện và Công ty Trường Phúc Hoàng do bà Quản Thị Thu Hiền đại diện ký kết Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 1262/HĐXD-SLĐTBXH-TPH.

Cửa đóng then cài tại dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng.

Cửa đóng then cài tại dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng.

Theo hợp đồng, ngày 31/12/2017, Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng phải bàn giao mặt bằng để Công ty Trường Phúc Hoàng thi công. Tuy nhiên, theo tài liệu GD&TĐ có được cho thấy: Vì các lý do khác nhau, chủ đầu tư không có mặt bằng sạch để giao cho nhà thầu thực hiện xây dựng hạng mục như hợp đồng đã ký.

Không có mặt bằng sạch để thi công, Công ty Trường Phúc Hoàng nhiều lần có văn bản thúc chủ đầu tư bàn giao mặt bằng, nhưng không thành công. Như vậy, có thể thấy việc công trình dự án chậm tiến độ là nằm ngoài ý chí của nhà thầu.

Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng đã đề nghị Công ty Trường Phúc Hoàng điều chỉnh Thư bảo lãnh hoàn tạm ứng từ 10.570.000.000 đồng xuống còn 5.288.000.000 đồng.

Việc đề nghị này thể hiện trong Phụ lục hợp đồng số 01/PLHĐXD ngày 31/12/2016 điều chỉnh điều khoản tạm ứng của Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 1262 đã được hai bên ký kết vào ngày 26/12/2016.

Phụ lục hợp đồng số 01 thể hiện hai bên thoả thuận chủ đầu tư tạm ứng cho nhà thầu thành 2 đợt (đợt 1 là 5.288.000.000 đồng, đợt 2 là 5.282.013.200 đồng). Dựa trên thỏa thuận này, Công ty Trường Phúc Hoàng đã lập phụ lục hợp đồng cấp bảo lãnh số 0170.01/PLHĐBL-OCB với Ngân hàng Phương Đông và được ngân hàng này chấp thuận để tu chỉnh bảo lãnh giảm số tiền bảo lãnh tối đa chỉ còn 5.288.000.000 đồng.

Do không được bàn giao mặt bằng dẫn đến việc thi công bị đình trệ, giá vật liệu xây dựng tăng chóng mặt, nên Công ty Trường Phúc Hoàng đã nhiều lần đề nghị Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng điều chỉnh giá theo quy định tại Điều 9 của Hợp đồng số 1262. Các đề nghị điều chỉnh giá của nhà thầu không được chủ đầu tư chấp nhận.

Cũng vì lý do trên nên hai bên đã 2 lần ký các Phụ lục hợp đồng số 02/PLHĐXD và Phụ lục hợp đồng số 03/ PLHĐXD với nội dung gia hạn thêm thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 8/8/2021.

Theo hợp đồng, ngày 31/12/2017, Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng phải bàn giao mặt bằng để Công ty Trường Phúc Hoàng thi công. Tuy nhiên, do sự chậm trễ của Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng nên mãi đến tháng 10/2019, Công ty Trường Phúc Hoàng mới nhận được mặt bằng để ép cọc đại trà thực hiện dự án với khối lượng công việc tính đến tháng 12/2020 đạt hơn 900 triệu đồng.

Trong giai đoạn thi công dự án, ngoài việc chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng cộng thêm tác động từ nguyên nhân bất khả kháng là dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thời gian thi công bị kéo dài. Vì đó, Công ty Trường Phúc Hoàng đã nhiều lần gửi văn bản tới Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng cũng như UBND tỉnh Cao Bằng xin được điều chỉnh lại mức giá cũng như gia hạn thêm thời gian thực hiện hợp đồng.

Dù nhiều lần đề nghị không được chấp nhận, nhưng bên nhận thầu vẫn tiếp tục thi công công trình khi được bàn giao mặt bằng và hợp đồng số 1262/HĐXD-SLĐTBXH-TPH giữa các bên vẫn còn giá trị pháp lý.

Dừng lại ở quan hệ pháp luật về kinh tế?

Theo tài liệu GD&TĐ có được, dù Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 1262/HĐXD-SLĐTBXH-TPH đến thời điểm này vẫn còn hiệu lực pháp luật, chủ đầu tư không có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng nhưng vẫn đòi thu hồi tiền tạm ứng, có những động thái như cho lực lượng đến khóa cổng không cho phép bên nhận thầu tiếp tục thi công công trình.

Phân tích về vụ việc này, luật sư Lê Văn Thiệp, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, phía Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng phải đề nghị chấm dứt hợp đồng mới được yêu cầu giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng, trong đó có việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ hoàn ứng.

Vụ việc sau đó được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng vào cuộc điều tra. Ngày 14/12/2021, Công an tỉnh Cao Bằng phối hợp cùng Viện KSND tỉnh Cao Bằng và đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng thực tế kiểm tra cho thấy trên công trường thi công vẫn còn máy móc, thiết bị của nhà thầu.

Các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Cao Bằng không có bằng chứng nào về việc Công ty Trường Phúc Hoàng không có khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng xây dựng đã ký sau khi trúng thầu.

Phụ lục hợp đồng thi công xây dựng công trình số 03/PLHĐXD giữ lập Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng và Công ty Trường Phúc Hoàng ngày 8/10/2019 thể hiện việc 2 bên nếu có vướng mắc sẽ cùng bàn biện pháp giải quyết nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của mỗi bên.

Phụ lục hợp đồng thi công xây dựng công trình số 03/PLHĐXD giữ lập Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng và Công ty Trường Phúc Hoàng ngày 8/10/2019 thể hiện việc 2 bên nếu có vướng mắc sẽ cùng bàn biện pháp giải quyết nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của mỗi bên.

Về sự việc này, chuyên gia pháp lý cho rằng, đây là quan hệ pháp luật kinh tế có tranh chấp nên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND có thẩm quyền. Khi có bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án thì khi đó các đương sự có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.

“Việc cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng thụ lý giải quyết là không đúng thẩm quyền, hình sự hóa quan hệ pháp luật kinh tế”, luật sư Lê Văn Thiệp nêu quan điểm và nhấn mạnh.

Trong văn bản đề gửi cơ quan tố tụng ở Trung ương, luật sư Lê Văn Thiệp ghi rõ: Cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng đã không cập nhật, thu thập văn bản quy phạm pháp luật quan trọng điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động thi công công trình xây dựng là Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022.

Theo đó, toàn bộ các hành vi mà cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng xác định là hành vi vi phạm pháp luật đã được Nghị định số 16/2022/NĐ-CP điều chỉnh để xử phạt hành chính.

Cụ thể tại Điều 17, Điều 19 Nghị định này về hành vi “không đôn đốc gia hạn bảo lãnh…” và hành vi “cho tạm ứng không có bảo lãnh hoặc vượt quá giá trị bảo lãnh…”

“Như vậy, thiệt hại là lãi suất 0,1% tháng thì số tiền tạm ứng chỉ gây thiệt hại 41 triệu đồng. Theo khoản 1, điều 219 thì thiệt hại phải từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng mới bị xử lý hình sự. Thực tế không có hành vi chiếm đoạt hay thất thoát tài sản nhà nước trong vụ án này”, Luật sư Thiệp nhấn mạnh.

Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.