Tiếp bài “Nữ giám đốc bị cáo buộc chiếm đoạt tiền tỷ ở Cao Bằng”:

Có sai sót trong việc xác định thiệt hại?

GD&TĐ - Qua nghiên cứu hồ sơ, chuyên gia pháp lý cho rằng cấp tòa phúc thẩm cần phải làm rõ các dấu hiệu sai sót trong việc xác định thiệt hại của vụ án.

Dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng hiện đang trong tình trạng bỏ không.
Dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng hiện đang trong tình trạng bỏ không.

Cần xác định rõ nhà thầu có cần phải gửi thư tu chỉnh cho bên giao thầu?

Như những thông tin trước đó Báo GD&TĐ đã đăng tải trong 2 bài viết liên quan đến vụ việc bà Quản Thị Thu Hiền (Giám đốc Công ty Trường Phúc Hoàng) bị tuyên phạt mức án 8 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chuyên gia pháp lý đã phân tích và chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn trong quá trình xử lý vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Cao Bằng.

Một trong những điểm mâu thuẫn này được chỉ ra là việc cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng đã hình sự hóa một mối quan hệ pháp luật kinh tế. Song song với đó là nhiều điểm bất thường trong quá trình điều tra vụ án cần được làm rõ một cách minh bạch, khách quan tại phiên xét xử phúc thẩm sắp tới.

Trong đơn kiến nghị gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội và Chánh án TAND Tối cao, luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan tố tụng đã không thực hiện đầy đủ việc thu thập chứng cứ.

Nhận định này thể hiện ở việc cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng không đưa ra được kết luận chính thức về Công văn số 1434/SLĐTBXH- KHTC ngày 31/12/2016 gửi cho Ngân hàng Phương Đông là văn bản do chính Sở LĐTB&XH ban hành hay do người nào thực hiện?

Bên trong khuôn viên dự án, đồ đạc, vật liệu xây dựng vứt ngổn ngang.

Bên trong khuôn viên dự án, đồ đạc, vật liệu xây dựng vứt ngổn ngang.

Theo tài liệu GD&TĐ có được, tại bản kết luận điều tra có liên quan đến vụ án có ghi rõ: “Đối với Công văn số 1434…cơ quan điều tra đã xác minh tại Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng cho thấy không có số công văn trên trong tài liệu lưu trữ. Công văn này lưu tại Ngân hàng Phương Đông chỉ là bản photo được Công ty Trường Phúc Hoàng đóng dấu sao y bản chính. Cơ quan điều tra không thu được bản chính của công văn này trong quá trình thực hiện các hoạt động điều tra…”

Về nội dung này, luật sư cho rằng, theo quy định, số hiệu văn bản, cá nhân, phòng ban soạn thảo phải có sự phân công chỉ đạo và phải được lưu giữ trong sổ công văn đi và đến của cơ quan, tổ chức phát hành.

Việc tiêu hủy tài liệu (nếu có) phải bị xử lý theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ và Công ty Trường Phúc Hoàng không phải chịu trách nhiệm về việc Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng làm mất văn bản quan trọng này.

“Cơ quan tố tụng không làm rõ tại sao Công văn số 1434 lại trùng khớp với nội dung của Phụ lục hợp đồng số 01/PLHĐXD và trùng khớp với giá trị của thư bảo lãnh hoàn tạm ứng cũng như việc tạm ứng?

Việc thu thập chứng cứ này sẽ làm rõ việc Công ty Trường Phúc Hoàng có cần phải gửi thư tu chỉnh cho bên giao thầu hay không và trách nhiệm phải biết có sự điều chỉnh, thay đổi nội dung thư bảo lãnh hoàn tạm ứng này thuộc về cơ quan, tổ chức, chủ thể nào?”, luật sư Thiệp nhấn mạnh.

Không có thất thoát tài sản trong vụ án

Cũng theo tài liệu cho thấy, ngày 30/12/2021, bà Quản Thị Thu Hiền đã hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã được Sở LĐTB&XH tạm ứng trước đó (đã trừ đi khối lượng công trình đã thi công). Số tiền này, bà Hiền được yêu cầu chuyển vào tài khoản tạm giữ của Công an tỉnh Cao Bằng.

Luật sư Thiệp cho rằng đây là việc làm được cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng thực hiện không đúng theo quy định của pháp luật. Dẫn chứng được đưa ra là việc vào thời điểm trên (cũng như đến hiện tại), hợp đồng xây dựng giữa Công ty Trường Phúc Hoàng và Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng vẫn đang còn hiệu lực và các bên chưa giải quyết tranh chấp thì khi bên nhận thầu muốn trả tiền hoàn ứng, cơ quan công an phải hướng dẫn Công ty Trường Phúc Hoàng nộp vào tài khoản của bên giao thầu hoặc Kho bạc Nhà nước.

Mặc dù đã hoàn trả lại toàn bộ số tiền tạm ứng trước đó, nhưng ngày 10/1/2022, cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng vẫn tiến hành khởi tố vụ án và sau đó là khởi tố bị can đối với bà Quản Thị Thu Hiền.

Phụ lục số 03 của Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 1262 giữa Công ty Trường Phúc Hoàng và Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng là một trong những tài liệu quan trọng xác định thời gian thực hiện dự án.

Phụ lục số 03 của Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 1262 giữa Công ty Trường Phúc Hoàng và Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng là một trong những tài liệu quan trọng xác định thời gian thực hiện dự án.

Theo tài liệu, cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng xác định thiệt hại do hành vi của bà Quản Thị Thu Hiền gây ra là số tiền tạm ứng chưa thu hồi được (hơn 9,6 tỷ đồng) khi kết thúc hợp đồng là ngày 31/12/2020. Ngoài ra, số tiền lãi phát sinh của số tiền tạm ứng không tính vào thiệt hại của vụ án theo quy định.

Tuy nhiên, theo luật sư Thiệp, đến thời điểm hiện tại, Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 1262/HĐXD-SLĐTBXH-TPH được ký giữa Công ty Trường Phúc Hoàng và Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng đã và đang có hiệu lực pháp lý.

“Việc trưng cầu giám định không đúng quy định vì thời điểm này vẫn còn thời hạn mà hai bên thể hiện trong Phụ lục số 03. Theo đó, thời hạn mà các bên tự nguyện thực hiện việc trả lại tiền tạm ứng là ngày 30/11/2021 và đến ngày 30/12/2021 Công ty CP ĐTXD Trường Phúc Hoàng đã thực hiện xong các cam kết, thỏa thuận theo phụ lục hợp đồng và biên bản làm việc ngày 12/8/2021. Như vậy, việc trưng cầu giám định là không phù hợp, không đúng nội dung dẫn đến oan sai trong vụ án này”, luật sư phân tích.

Thực tế không có hành vi chiếm đoạt hay thất thoát Tài sản nhà nước trong vụ án này

Ngoài ra, tại phiên tòa xét xử (sơ thẩm), khi được hỏi, người đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng cũng không thể công bố thiệt hại về vật chất có thể định lượng được. Từ đó, có thể thấy: Không thể coi số tiền tạm ứng (đã được hoàn trả đầy đủ) là thiệt hại của Nhà nước hay số tiền bị chiếm đoạt. “Thực tế không có hành vi chiếm đoạt hay thất thoát tài sản nhà nước trong vụ án này”, Luật sư Thiệp nhấn mạnh.

Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.