Có dấu hiệu oan sai vụ nữ giám đốc bị cáo buộc chiếm đoạt tiền tỷ

GD&TĐ - Một nữ giám đốc đã bị tuyên án 8 năm tù với cáo buộc chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng. Luật sư cho rằng có căn cứ để xác định đây là một vụ án oan sai.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng hiện đang ở trong tình trạng hoang hóa.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng hiện đang ở trong tình trạng hoang hóa.

Nữ giám đốc bị cáo buộc chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng

Theo nội dung cáo trạng truy tố của Viện KSND tỉnh Cao Bằng, năm 2015, Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng được cấp vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ giai đoạn 2016 – 2020 để thực hiện dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng. Dự án này do Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư.

Thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Trường Phúc Hoàng (sau đây gọi tắt là Công ty Trường Phúc Hoàng) do bà Quản Thị Thu Hiền làm giám đốc đã trúng gói thầu số 02 xây nhà đa năng trị giá 26 tỷ đồng.

Ngày 26/12/2016, Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng do ông Hà Minh Trần đại diện và Công ty Trường Phúc Hoàng do bà Quản Thị Thu Hiền đại diện ký kết Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 1262/HĐXD-SLĐTBXH-TPH.

Trong hợp đồng này, các bên thống nhất việc chủ đầu tư là Sở LĐTB&XH tỉnh Cao Bằng sẽ cho nhà thầu là Công ty Trường Phúc Hoàng ứng 40% giá trị hợp đồng khi có bảo lãnh của ngân hàng. Ngày 29/12/2016, được UBND tỉnh Cao Bằng đồng ý nên Sở LĐTB&XH đã cho Công ty Trường Phúc Hoàng ứng gần 5,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa có thư bảo lãnh nên Kho bạc Nhà nước tỉnh Cao Bằng chưa xuất tiền.

Cơ quan công an thi hành các quyết định tố tụng đối với bà Quản Thị Thu Hiền.

Cơ quan công an thi hành các quyết định tố tụng đối với bà Quản Thị Thu Hiền.

Liền kề sau đó, Ngân hàng Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội đã ban hành thư bảo lãnh trị giá hơn 10,5 tỷ đồng, có giá trị đến tháng 12/2017. Khi đã đầy đủ điều kiện theo quy định, Kho bạc Nhà nước tỉnh Cao Bằng đã chuyển 5,3 tỷ đồng cho Công ty Trường Phúc Hoàng.

Theo cáo trạng, công trình không hoàn thành nhưng các bị cáo Trần, Nhung cho doanh nghiệp của bị cáo Hiền ứng tiền rồi không thu hồi dẫn tới thất thoát hơn 9,6 tỷ đồng của ngân sách. Được biết bà Hiền đã nộp lại toàn bộ số tiền này khi vụ án chưa được khởi tố.

Tại phiên xét xử, bà Hiền cho rằng bản thân không có ý định chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Theo trình bày của bà Hiền, việc Công ty Trường Phúc Hoàng chưa thể hoàn thành gói thầu là do phía chủ đầu tư đã không thể bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp để xây dựng. Bà Hiền lý giải việc không trả ngay số tiền tạm ứng khi không thi công gói thầu là do thời điểm đó doanh nghiệp gặp khó khăn rồi dịch bệnh Covid-19 tác động nên chưa thể trả.

Căn cứ vào nội dung vụ án, HĐXX TAND tỉnh Cao Bằng (phiên sơ thẩm) đã tuyên phạt ông Hà Minh Trần mức án 4 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong khi đó, bà Quản Thị Thu Hiền bị tuyên lĩnh mức án 8 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Để tránh oan sai, nhiều vấn đề cần được làm rõ

Liên quan đến vụ án trên, sau khi bản án được tuyên, ông Nguyễn Đình Hải (SN 1968, chồng bà Quản Thị Thu Hiền) đã có đơn kêu oan gửi tới các cơ quan hữu trách ở Trung ương.

Trong nội dung đơn, ông Hải cho rằng bản án của TAND tỉnh Cao Bằng đã tuyên đối với bà Quản Thị Thu Hiền là không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án và vi phạm nghiêm trọng tố tụng dẫn đến làm oan người không phạm tội.

Theo ông Hải, cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng đã “hình sự hóa quan hệ hợp đồng kinh tế”, bắt người trái pháp luật không thuộc trong trường hợp khẩn cấp và đề nghị truy tố oan sai nhầm đối tượng. Lý do, Công ty Trường Phúc Hoàng do bà Hiền làm Giám đốc không thuộc doanh nghiệp bị điều chỉnh của Bộ luật Hình sự.

Bên trong dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng.

Bên trong dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng.

Ông Hải cũng cho rằng TAND tỉnh Cao Bằng đã kết án oan sai. “Việc này đã gây sốc tinh thần, suy sụp sức khỏe cho vợ tôi; thiệt hại lớn tới vật chất, tinh thần cho gia đình tôi; gây xáo trộn không hề nhỏ tới việc học hành của các con tôi... Từ khi vợ tôi bị bắt, toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bị dừng; cán bộ, công nhân viên phải nghỉ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an sinh xã hội”, ông Hải trình bày trong đơn kêu oan.

Trong khi đó, nhận định về vụ án căn cứ vào kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng, cáo trạng truy tố của Viện KSND tỉnh Cao Bằng và bản án của TAND tỉnh Cao Bằng, Luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đánh giá đây là vụ án có dấu hiệu oan sai.

Đưa ra luận chứng cho quan điểm của mình, Luật sư Thiệp cho rằng vụ án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không xác định và giám định thiệt hại; số tiền đã khắc phục mới khởi tố vụ án. Luật sư Thiệp đánh giá đây là vụ tranh chấp thương mại và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng.

“Cơ quan xét xử cũng không đưa pháp nhân là Công ty Trường Phúc Hoàng vào tham gia tố tụng; không lấy lời khai các cá nhân và cơ quan liên quan để xác định ai là người chỉ đạo, ai là người ký để công ty ứng được tiền”, luật sư Thiệp cho biết.

Về nội dung, luật sư Thiệp cho rằng hành vi không đôn đốc gia hạn bảo lãnh và cho tạm ứng không có bảo lãnh của ông Hà Minh Trần theo Nghị định 16/2022 ngàỵ 28/1/2022 của Chính phủ thì là vi phạm pháp luật hành chính.

Luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Về các yếu tố cấu thành tội phạm, luật sư đánh giá: Nếu là tội phạm thì chủ thể phải là pháp nhân Công ty Trường Phúc Hoàng, chứ không phải cá nhân bà Quản Thị Thu Hiền.

“Về mặt chủ quan có thể thấy bà Hiền không hề có ý định chiếm đoạt số tiền bảo lãnh. Trong khi đó, về mặt khách quan, kết luận điều tra không đúng mẫu của Bộ Công an; căn cứ để điều tra, truy tố cũng không đúng vì phía nhà thầu không có nghĩa vụ phải gửi thư tu chỉnh bảo lãnh cho chủ đầu tư”, luật sư Thiệp cho biết.

Bên cạnh đó, luật sư Thiệp nhấn mạnh việc sử dụng số tiền tạm ứng của gói thầu vào công trình khác được xác định có thể nguy hiểm cho xã hội nhưng lại không được quy định trong Bộ luật Hình sự, không phải sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp và việc không có khả năng gia hạn bảo lãnh không đồng nghĩa với mục đích chiếm đoạt số tiền.

“Trong hợp đồng đã được hai bên thỏa thuận gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng. Vụ án cũng không xác định được bà Hiền thực hiện chiếm đoạt tiền vào thời điểm nào. Như vậy vụ án không thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Việc thu giữ con dấu Công ty Trường Phúc Hoàng của cơ quan điều tra là trái pháp luật”, luật sư Thiệp cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.