Cẩn trọng với mối nguy khi nuôi thú dữ tại nhà

Sau vụ bé 3 tuổi bị gấu cắn đứt cánh tay, các chuyên gia sinh vật cảnh khuyến cáo không nên nuôi thú dữ trong nhà, nhất là gia đình có trẻ nhỏ.

Cẩn trọng với mối nguy khi nuôi thú dữ tại nhà

Chiều 11/1, một cậu bé 3 tuổi ở Hóc Môn, TP HCM, khi chơi đùa trong vườn đã bị con gấu nuôi nhốt của gia đình cắn lìa tay. Vết đứt lên sát nách và cánh tay cũng đã bị con vật cắn nát nên không thể nối lại được.

Đây không phải là lần đầu tiên người nhà (đa phần là trẻ em) bị gấu nuôi trong gia đình cắn. Hồi cuối tháng 4/2014, một bé trai 28 tháng tuổi ở Quảng Ninh từng bị gấu nuôi cắn lìa tay trái. Năm 2013, một bé trai 5 tuổi ở Phú Thọ cũng bị gấu nuôi nhà bác cắn đứt hai tay.

Hiện nay, trào lưu nuôi các loại động vật hoang dã, bò sát và các giống chó dữ khá phổ biến. Anh Hoàng (phó giám đốc một công ty buôn bán vật liệu xây dựng ở Từ Liêm, Hà Nội) là người có sở thích nuôi các loài động vật lạ. Do tính chất công viêc hay lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, anh thường mua được các loài chồn, trăn, rắn, cu li... và đem về nuôi nhốt ngay tại gia đình. Thỉnh thoảng các con vật này sẽ được đem giết thịt, lấy mật, ngâm rượu hoặc biếu bạn bè. Trong nhà anh cũng có một đôi khỉ đã nuôi nhiều năm làm cảnh.

Anh Hoàng cho hay, đôi khỉ quen hơi người nên khá thân thiện. Con gái anh, 12 tuổi vẫn chơi đùa với chúng thường xuyên và không thấy có gì nguy hiểm. "Con tôi và bọn trẻ hàng xóm chơi đùa với đôi khỉ thoải mái, nhưng riêng các con vật tôi mới mua về thì tôi không cho bọn trẻ đến gần, để an toàn cho chúng", anh nói.

2-8407-1421056204.jpg

Các chuyên gia khuyên với các giống chó dữ nên nuôi từ khi chúng còn nhỏ và gần gũi với con người. Các gia đình có trẻ nhỏ, tốt nhất không nên nuôi các loài động vật dữ tại nhà. Ảnh: Phan Dương.

Chị Thu Mai (32 tuổi, hồ Đắc Di, Hà Nội) cho biết, chị rất ái ngại mỗi chiều cho các con ra chơi bên cạnh khuôn viên hồ. Ở khu vực này có một số gia đình nuôi các giống bec-giê, chó Phú Quốc, thậm chí ngao Tây Tạng... Chiều chiều, các con chó được dắt đi dạo cho đỡ cuồng chân. Thực tế những con chó này đều to, khỏe và rất dữ, ngay cả người chủ kéo và quát cũng không được. Có lần con trai chị bị một con bec-giê lùa và đớp một nhát vào chân.

"Dù họ xin lỗi, bồi thường nhưng tôi vẫn rất bức xúc vì chuyện này. Tôi hiểu nuôi chó là sở thích của họ nhưng khi ra các khu công cộng, công viên phải rọ mõm lại và giữ chắc dây buộc chúng để không gây nguy hiểm cho người khác", chị Mai bày tỏ.

Bác sĩ thú y Hoàng Ngọc Báu (Hà Nội) chia sẻ trong nhiều năm công tác ông đã gặp rất nhiều trường hợp người bị các loài vật nuôi trong nhà cắn. Song, theo ông lỗi không nằm ở các loài vật nuôi mà chính ở ý thức con người.

Các loài động vật hoang dã như hổ, gấu, khỉ, vượn, các loài bò sát như trăn, rắn, kỳ đà, cá sấu... là những loài động vật phải được bảo tồn, sống tự do trong môi trường tự nhiên chứ không phải bị nuôi nhốt, tận dụng để lấy mật, da, thịt... "Khi bị nuôi nhốt trong một thời gian dài thì tâm tính của chúng bị ức chế, trở nên hung dữ và vô cùng nguy hiểm", ông Báu nói.

Tương tự như vậy, chó vốn là loài vật nuôi gần gũi với con người nhất. Song không kể các giống chó nhà hay chó săn thì chúng cũng dễ trở nên nguy hiểm một khi người chủ nuôi chúng một cách bất thường ví như đánh đập, xích, nuôi nhốt và không gần gũi với chúng.

Trong vài năm gần đây ở các thành phố lớn đang có xu hướng nuôi chó độc. Đó là các giống chó săn, bản tính hiếu chiến, biết tấn công kẻ thù, bảo vệ chủ nhân như chó Phú Quốc, bec-giê, pitbull, rottweiller, bulldog, ngao Tây Tạng...

Thực tế chúng là các giống chó thông minh nhưng bản tính hoang dã, buộc phải qua các chuyên gia huấn luyện trước khi để sống gần gũi với con người. Trong khi đa phần người dân chỉ chú ý mua được con vật nuôi lạ, thể hiện đẳng cấp mà xem nhẹ việc huấn luyện, dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc.

Cũng về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM khuyến cáo không chỉ riêng các loại thú hoang dã mà cả các động vật đã thuần chủng qua nhiều thế hệ như chó, mèo cũng có thể tấn công người, nhất là trẻ em. Bệnh viện này từng tiếp nhận nhiều ca bệnh nhi bị chó, mèo, rắn cắn dẫn đến tổn thương nghiêm trọng, nhất là ở vùng đầu, mặt cổ, thậm chí đe dọa tính mạng.

Theo thống kê năm 2013 cả nước có 300.000 người bị chó tấn công, trong đó 99 người tử vong. Viện Pasteur TP HCM ghi nhận nguyên nhân gây bệnh dại cho người chủ yếu là do chó nuôi (chiếm hơn 96%), mèo chiếm 3,6%. Phần lớn các ca này là trẻ dưới 15 tuổi.

0-5608-1421056204.jpg

Một gia đình nuôi con ngao Tây Tạng và chim đại bàng để giữ nhà. Ảnh: Phan Dương.

Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc, ông Huỳnh Thanh - chuyên mua bán các loại thú nuôi tại TP HCM - khuyên mọi người không nên nuôi các loại thú dữ hoặc có nọc độc tại nhà, nhất là những gia đình có trẻ con. Trong trường hợp muốn nuôi vì một lý do nào đó, gia chủ cần tìm hiểu thật rõ về đặc tính của con vật, đồng thời có những biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh sự tiếp xúc quá gần với con người. Bên cạnh đó cần lưu ý:

1. Tạo môi trường tự nhiên đủ rộng cho thú

Động vật hoang dã có nhu cầu tâm lý, sinh hoạt và dinh dưỡng phức tạp, vì vậy một khi bạn có ý định nuôi dưỡng chúng như vật nuôi, cần đáp ứng đầy đủ nhất có thể các nhu cầu về môi trường sống tự nhiên. Hơn nữa, động vật hoang dã vốn quen sống chung với các loài động vật, thực vật khác trong tự nhiên, nên môi trường nuôi dưỡng cần hạn chế sự ảnh hưởng của con người.

2. Canh chừng cẩn thận

Động vật hoang dã có thể cào, cắn, tấn công chủ nhân, trẻ em trong nhà và những người tiếp xúc chúng. Trong nhiều trường hợp, chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm pháp lý vì những thương tổn do thú gây ra. Vì vậy, bạn phải có các biện pháp canh chừng thú nuôi khỏi tổn thương con người. Khi làm chuồng, nên tính toán thật kỹ về kích thước, rào chắn phía ngoài, hào xung quanh, khe cửa sổ... để tránh tầm với và tầm phóng của thú.

3. Chỉ mua động vật có giấy chứng nhận kiểm dịch và cần tiêm phòng vật nuôi đầy đủ

Động vật hoang dã có thể là mầm bệnh nguy hiểm cho con người, mang đến các bệnh nguy hiểm, bao gồm bệnh dại, mụn rộp, khuẩn salmonella, bại liệt, lao và dịch hạch. Thú nuôi của bạn còn có thể chứa các loài ký sinh trùng như giun đũa, sán và nhiều khuẩn độc hại nên cần phải chích ngừa định kỳ

4. Chỉ nhận nuôi thú có chứng nhận pháp lý

Một số loài động vật hoang dã bị liệt vào danh sách cấm, nên chủ có thể vi phạm pháp luật nếu cố tình mua về nuôi. Vì thế, hãy chắc chắn thú cưng có đầy đủ chứng nhận pháp lý trước khi nhận nuôi. Lưu ý: Tốt nhất nên nuôi con thú từ khi chúng còn nhỏ chưa đủ một tuổi để có đủ thời gian làm quen trước khi chúng có đủ sức mạnh để tấn công người.

5. Chuẩn bị tâm lý khi vật nuôi dần lớn lên

Con vật nhỏ vô cùng dễ thương và yếu ớt, phải phụ thuộc vào người nuôi để sinh tồn. Thế nhưng, tương lai không xa thú cưng của bạn sẽ lớn lên và trỗi dậy các bản năng hoang dã. Chúng có thể cắn xé các đồ nội thất, hoặc tệ hơn nữa là tấn công người như bản năng săn mồi vốn có. Thế nên, bạn cần phải chuẩn bị tâm lý cùng các biện pháp giữ an toàn cho thú nuôi cũng như chính các thành viên trong gia đình.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ