Giơ biển tranh luận, đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang tranh luận và tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ nguyên nhân của những khó khăn trong việc tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá nhưng mà Bộ chưa hoàn thành.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị Bộ trưởng cho biết, đến khi nào giá sách giáo khoa mới đảm bảo được hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và phụ huynh?
Trả lời phần tranh luận của đại biểu Châu Quỳnh Dao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ trưởng chưa nhận được văn bản nào liên quan đến vấn đề này.
Theo Bộ trưởng, khi sách giáo khoa được bổ sung vào danh mục trong Luật Giá thì chúng ta mới có cơ sở để triển khai. Hiện tại, chúng ta chỉ có thể vận động các cơ quan chủ quản tiết giảm chi phí để giá sách giáo khoa hạ xuống và các em học sinh được thụ hưởng.
Tranh luận tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí- Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội khẳng định, tiền của người dân, nhất là của dân nghèo, những gia đình có con đi học cũng rất quý. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội sớm đưa sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc biệt, được thẩm định giá và cần có sự trợ giá sách giáo khoa cho học sinh ở các vùng khó khăn càng sớm càng tốt.
Cuối cùng là Luật Giá cần được sửa đổi sao cho phục vụ nhân dân được tốt nhất, đặc biệt là có sự hỗ trợ đối với gia đình có con đi học. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi: Đến khi nào đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và phụ huynh?
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí là rất “trúng” với thực tế. Tuy nhiên, vấn đề này thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội chứ Bộ Tài chính không quyết định được. Nếu tại Kỳ họp, Quốc hội thống nhất đưa vấn đề này vào Nghị quyết của Kỳ họp thì Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện.