Không chỉ phát tờ rơi tại các cổng trường, siêu thị, đăng tin trên báo chí, mạng xã hội, nhiều nơi còn cho nhân viên đóng giả phụ huynh tham gia hội nhóm, diễn đàn… để chia sẻ thông tin.
Bên cạnh thực hiện trông giữ trẻ, các khóa bán trú hè còn tổ chức đa dạng hoạt động giáo dục như dạy tiếng Anh, múa, hát, đàn, vẽ, kỹ năng sống… Tùy theo cơ sở vật chất, thời lượng môn học, chất lượng giáo viên, học phí các khóa dịch vụ hè (bao gồm cả tiền ăn, đồng phục) từ khoảng 5 - 20 triệu đồng/tháng tùy đơn vị.
Với những chương trình học có tham gia của tình nguyện viên, giáo viên nước ngoài mức giá sẽ cao hơn. Để thu hút học viên, các đơn vị còn thực hiện nhiều chiêu khuyến mại hấp dẫn như miễn phí học thử vài buổi, giảm giá 10 - 15% cho người đăng ký sớm, tặng đồng phục, thậm chí có nơi tặng tiền cho người giới thiệu học viên.
Đa số phụ huynh, đặc biệt ở đô thị lớn, đều khẳng định vai trò của dịch vụ bán trú hè cho học sinh tiểu học. Đặc biệt, các dịch vụ có chương trình học chất lượng còn giúp trẻ thụ hưởng một mùa Hè vui tươi, bổ ích, được giáo dục toàn diện hơn. Nhiều cha mẹ khá hài lòng khi con được vui, học các kỹ năng lành mạnh với dịch vụ bán trú hè, thay vì dán mắt vào màn hình tivi, điện thoại.
Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực, hoạt động dịch vụ bán trú hè còn tồn tại nhiều bất ổn. Thực tế tổ chức dịch vụ bán trú hè là một loại hình phức hợp, vừa dạy, kèm trẻ, vừa trông giữ trẻ. Tham gia dịch vụ này hiện không chỉ có trường ngoài công lập, trường quốc tế, trung tâm ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống, nhà thiếu nhi, một số trường công lập, mà còn có cả công ty, nhóm phụ huynh, cá nhân. Ngoại trừ những đơn vị được phép tổ chức, vẫn nhiều dịch vụ tự phát, thiếu hướng dẫn, giám sát của cơ quan quản lý, nên việc đảm bảo an toàn cho trẻ phụ thuộc vào kinh nghiệm và trách nhiệm người trông nom.
Do tính phức hợp nên đến nay việc quản lý dịch vụ bán trú hè mỗi nơi một kiểu. Có nơi ngành Giáo dục hướng dẫn quản lý, tổ chức trông giữ ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống đối với học sinh tiểu học. Có nơi thì trách nhiệm thuộc về ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, liên quan việc trông giữ và bảo đảm an toàn cho trẻ em ngoài nhà trường. Nơi lại giao việc quản lý cho chính quyền cấp phường/xã.
Đáng chú ý có đơn vị giáo dục kỹ năng sống tổ chức dịch vụ bán trú hè nhưng chưa đăng ký để được cấp phép hoạt động giáo dục, mà chỉ đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư (nội dung đăng ký có nhiều ngành nghề hoạt động, trong đó có lĩnh vực giáo dục). Trong khi đó, giáo dục là lĩnh vực hoạt động kinh doanh có điều kiện (về cơ sở vật chất, công tác phòng cháy chữa cháy, đội ngũ giáo viên, chương trình dạy)…
Gửi con bán trú trong hè là nhu cầu không nhỏ với các bậc phụ huynh và sự có mặt của dịch vụ bán trú hè là giải pháp cần thiết. Tuy vậy, không nên để dịch vụ thu nhận, trông trẻ dịp hè “trăm hoa đua nở” về số lượng nhưng chất lượng và các tiêu chí an toàn thì chưa được kiểm chứng. Cũng không nên coi dịch vụ bán trú hè đơn thuần là giao dịch dân sự giữa phụ huynh với bên cung cấp và vấn đề chất lượng phó mặc vào sáng suốt của cha mẹ.
Bảo đảm an toàn, chất lượng giáo dục cho trẻ tham gia dịch vụ bán trú hè là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, không chỉ riêng ngành Giáo dục. Vì thế cần có cơ chế quản lý phù hợp, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra giám sát để phát huy mặt tích cực của dịch vụ này, đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của phụ huynh.