'Nở rộ' hoạt động trải nghiệm ở trường học miền núi Điện Biên

GD&TĐ - Giáo dục trải nghiệm ngày càng “nở rộ” ở các trường học miền núi Điện Biên. 

Giáo viên, học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn trong buổi “Trải nghiệm sáng tạo giao lưu học đường”.
Giáo viên, học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn trong buổi “Trải nghiệm sáng tạo giao lưu học đường”.

Những bài giảng “bước” ra khỏi không gian lớp học gò bó để “hòa nhập” với đời sống được kỳ vọng là phương pháp giáo dục hiệu quả, giúp học sinh dân tộc thiểu số phát triển toàn diện hơn.

Giờ học không bảng đen, phấn trắng

Ngày hội “Trải nghiệm sáng tạo giao lưu học đường” tại Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé diễn ra trong không khí đầy hứng khởi. Bên cạnh công tác tổ chức của nhà trường, chương trình thu hút đông đảo phụ huynh tham gia với vai trò hướng dẫn viên, hỗ trợ trực tiếp học sinh; giáo viên chủ nhiệm dẫn dắt, định hướng đội chơi.

Thầy giáo Lò Văn Biên, Phó Hiệu trưởng, cho hay: Chương trình được tổ chức với nhiều hoạt động, nhằm giúp học sinh phát triển nhiều kỹ năng. Trong đó, phần khởi động, các em được trực tiếp tham gia khiêu vũ, biểu diễn văn nghệ… Phần nội dung chính là tổ chức thăm viếng các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm anh hùng Trần Văn Thọ, trải nghiệm bác sĩ nhí, giao lưu trò chơi dân gian…

Vì không bị gò bó không gian, thời gian và kiến thức, nên học sinh, giáo viên đều hào hứng, phấn khởi tham gia. Đặc biệt các trò chơi dân gian: Đi cà kheo, nhảy dây, kéo co, bịt mắt bắt vịt, bắt thỏ… khiến không khí ngày hội sôi động.

Tại Trường Mầm non Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông), cô và trò cũng thường xuyên có những buổi trải nghiệm lý thú với “Vườn rau của bé”. Theo cô giáo Lò Thị Nhung, hoạt động được nhà trường xây dựng, duy trì nhiều năm nay.

Giáo viên các điểm bản sẽ phối hợp cùng phụ huynh tạo dựng không gian trải nghiệm. Mùa nào thức nấy, các loại rau được trồng trong vườn và theo luống, bồn riêng để trẻ dễ quan sát, phân biệt. Dựa trên mỗi giai đoạn phát triển, giáo viên xây dựng các giờ trải nghiệm khác nhau.

“Giai đoạn bắt đầu trồng, chúng tôi cho trẻ quan sát làm đất các ô chia nhỏ. Hướng dẫn các em xới đất tơi, gieo hạt, trồng rau vào từng ô đất theo từng loại. Hàng ngày có thể tổ chức hướng dẫn chăm sóc, nhổ cỏ, nhận xét sự phát triển của rau… từ đó giúp trẻ nhận biết, phân biệt được tên gọi, đặc điểm, cách chế biến các loại. Từ khi duy trì hoạt động này, mỗi ngày trẻ đều hứng thú đến lớp và muốn ra xem cây…”, cô Nhung chia sẻ.

Cô trò Trường Mầm non Pú Nhi tham gia trải nghiệm “Vườn rau của bé”.

Cô trò Trường Mầm non Pú Nhi tham gia trải nghiệm “Vườn rau của bé”.

Thực học, thực nghiệm

Giáo dục trải nghiệm không còn mới, song vài năm gần đây mới phát triển ở các trường học miền núi. Đặc biệt từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018 và đổi mới giáo dục. Nhận định, khi tham gia các hoạt động trải nghiệm, đa phần học sinh hứng thú và hiệu quả giáo dục cao hơn nên nhiều nhà trường đã đẩy mạnh đa dạng hóa hình thức, hoạt động tổ chức.

Với Ngày hội “Trải nghiệm sáng tạo giao lưu học đường”, thầy giáo Lò Văn Biên, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn, cho rằng: Đây là dịp trải nghiệm thú vị, độc đáo, giúp học sinh rèn luyện kiến thức, kỹ năng về giới tính, cách phòng tránh tai nạn thương tích, gìn giữ nét đẹp về văn hóa dân tộc địa phương…

“Tham gia các hoạt động trải nghiệm, học sinh vừa phát triển năng lực, phẩm chất lại phát huy tiềm năng sáng tạo, biết áp dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề. Qua đó, phát triển kỹ năng học tập, ứng phó các tình huống có thể xảy ra ở trường, nhà và ngoài cuộc sống. Ngoài ra, thành công nữa của ngày hội là tạo thêm niềm tin, sự gắn kết của phụ huynh với nhà trường”, thầy Biên chia sẻ.

Còn theo cô Trương Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, bằng phương pháp dạy “thực học, thực nghiệm”, “học mà chơi, chơi mà học”, các bài giảng trở nên sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn.

“Đặc biệt, với sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh, các buổi học theo hướng khám phá, trải nghiệm ngày càng được tổ chức thường xuyên, bài bản, thực chất. Qua đó, góp phần thay đổi cách dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, phát triển năng lực, phẩm chất người học”, cô Liên cho hay.

Cũng theo cô Liên, hiệu quả từ hoạt động giáo dục bằng phương pháp học tập khám phá, trải nghiệm, thời gian qua nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi học tại khu vườn của bé. Trẻ hào hứng tham gia khám phá thế giới thiên nhiên, cuộc sống lao động, sản xuất thông qua “nhập vai” làm nông dân; trực tiếp trồng rau, thu hoạch nông sản…

“Trồng, chăm sóc rau, tạo môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh giúp trẻ rèn luyện kĩ năng sống, ý thức bảo vệ thiên nhiên. Ngoài ra, việc tạo cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế sẽ giúp trẻ khám phá, có góc nhìn chân thực về cuộc sống. Qua đó, hiệu quả, chất lượng giáo dục cũng chất lượng và thực tế hơn”, cô Liên nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ