Quan tâm hơn HS nữ vùng khó khăn
Với Lộc Thị Bích Huệ - HS dân tộc Tày, lớp 12C1, Trường THPT Yên Hoa (Na Hang, Tuyên Quang) và nhiều bạn nữ DTTS khác, theo học được đến bậc THPT là cả một chặng đường dài của sự kiên trì và vượt khó của bản thân. Huệ kể, nhiều bạn bè của em vì hoàn cảnh khó khăn nên không được đi học đầy đủ, có bạn phải bỏ học giữa chừng để lấy chồng, phụ giúp gia đình làm kinh tế, dành phần học hành cho các em trai.
Trong thực tế, Luật GD 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, theo đó mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về bình đẳng giới trong hoạt động GD, trong chương trình GD, SGK và phương pháp GD trong khi vấn đề bình đẳng giới luôn được quan tâm bởi các tổ chức quốc tế và các quốc gia.
Lộc Thị Bích Huệ bày tỏ: “Em mong sao Luật GD sửa đổi có nội dung quan tâm đến các HS nữ vùng khó khăn như chúng em, nhấn mạnh yếu tố về giới. Bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo bình đẳng giới tại một số điều luật của dự thảo. Để nữ sinh DTTS như em được tạo nhiều điều kiện hơn nữa trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ học tập của mình, có quyền thụ hưởng việc GD, học tập như các bạn nam sinh khác”.
|
Vay tín dụng sư phạm thực hiện ước mơ làm cô giáo
Ước mơ từ nhỏ của Hoàng Phương Thảo – HS dân tộc Tày, lớp 12C6 Trường THPT Chiêm Hóa (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) là làm cô giáo, học ĐH xong được quay trở lại địa phương đứng trên bục giảng mang cái chữ đến cho HS nghèo. Tuy nhiên, có một khó khăn với Phương Thảo là chính sách học bổng quy định không thu học phí đối với HS, SV sư phạm hiện không phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay do nhu cầu của thị trường lao động đã thay đổi; nhiều SV sư phạm ra trường làm không đúng ngành sư phạm, không thể kiểm soát, gây lãng phí nhân lực và ngân sách.
Thực tiễn cho thấy, việc miễn học phí không thực sự là lý do để khuyến khích SV vào học ngành sư phạm. Điều kiện, môi trường làm việc, chế độ lương, ưu đãi trong quá trình công tác và lòng yêu nghề, nhiệt huyết đam mê mới thu hút và giữ chân nhà giáo. Bên cạnh đó, quy định này làm cho các cơ sở đào tạo GV gặp khó khăn về kinh phí chi thường xuyên khi việc cấp bù của ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp.
Với sự phân tích của thầy cô và tìm hiểu các đề xuất của chuyên gia, Phương Thảo mong muốn dự thảo Luật GD sửa đổi, bổ sung sửa đổi quy định về chế độ tín dụng sư phạm theo hướng HS, SV sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Bổ sung quy định về việc chi trả đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành GD. Song song với đó, tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các chính sách nhằm thu hút SV giỏi vào ngành sư phạm thông qua cơ chế học bổng và các biện pháp khác.
|
Chỉ cần giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT
Nhiều chuyên gia đã đưa các phân tích một số bất cập liên quan việc công nhận tốt nghiệp THPT trong Luật GD 2005. Đó là đối với những người đã học xong chương trình THPT nhưng không dự thi hoặc dự thi nhưng không đỗ tốt nghiệp THPT thì Luật GD 2005 không có quy định về hình thức công nhận hoàn thành chương trình GDPT cho HS. Luật GD chưa phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình THPT và bằng tốt nghiệp THPT.
Luật GD 2005 cũng không có quy định việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH, việc tuyển sinh ĐH thuộc về quyền tự chủ của các trường ĐH đã được quy định trong Luật GD ĐH (sửa đổi, bổ sung).
Hỏi nguyện vọng em Dương Mỹ Duyên - HS lớp 12C1, Trường THPT Thái Hòa (Hàm Yên, Tuyên Quang), em cho biết nhiều bạn em ngay từ đầu đã xác định học xong vào nhà máy làm công nhân, đi học nghề. Chính vì vậy sẽ rất thuận tiện, đáp ứng được nhu cầu của rất nhiều học sinh vùng khó nếu dự thảo Luật GD sửa đổi, bổ sung chỉnh sửa theo hướng bổ sung quy định HS học hết chương trình THPT mà không dự thi tốt nghiệp THPT hoặc không đỗ tốt nghiệp THPT thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT cho HS.