Cần thay đổi từ gốc đào tạo sư phạm

GD&TĐ - Một lãnh đạo quản lý xin được giấu tên của Trường Đại học Sư phạm TPHCM nhận định, một bộ phận không nhỏ giáo viên vì áp lực kinh tế đã phần nào cổ xúy và ủng hộ “văn hóa phong bì” trong trường học.

Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” là nét đẹp của mọi thế hệ người Việt Nam. Ảnh: TG
Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” là nét đẹp của mọi thế hệ người Việt Nam. Ảnh: TG

“Tôn sư trọng đạo” đang bị hiểu sai, lợi dụng

Nhà giáo này cho biết, “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống nói chung của người phương Đông, không riêng gì ở Việt Nam. Ở phương Đông thì người thầy luôn được đặt ở vị trí cao trong xã hội, được xã hội coi trọng, tôn kính. Thứ bậc đó thể hiện rõ qua “quân, sư, phụ”.

Làm thầy trong xã hội phương Đông không đơn giản là một nghề. Người làm thầy được xã hội tôn kính, như là người dẫn dắt, chỉ lối, dạy dỗ học trò. Bố mẹ có công sinh ra một con người (công sinh thành), còn người đó có thành nhân, thành công hay không thì nhờ thầy. Do đó mà vị trí người thầy được xếp trên bậc phụ mẫu.

Ngày nay, “Tôn sư trọng đạo” đã bị biến tướng, hiểu sai, bị lợi dụng. Hiện tượng đó là có thật. Nguyên nhân chính là do các luồng tư tưởng văn hóa phương Tây du nhập, ở đó nghề giáo được coi là một nghề kiếm sống như những nghề khác, rồi tính thứ bậc trong xã hội không còn quan trọng nữa (xã hội đi theo hướng dân chủ, xóa nhòa khoảng cách giữa thầy và trò). Bên cạnh đó, đời sống tinh thần càng bị ảnh hưởng bởi đời sống vật chất.

Nhiều giá trị về tinh thần được định giá bởi vật chất. Sự biết ơn cũng được định giá bởi vật chất. Biết ơn nhiều thì tương ứng với trả ơn bằng vật chất nhiều. Biết ơn ít thì trả ơn bằng vật chất ít. Trả ơn được tính, được hiểu như trả công. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác nữa, như giáo dục đã có nhiều thay đổi, rồi ảnh hưởng của truyền thông, sự xuất hiện của nhiều ngành nghề, bản thân một số giáo viên đã không có được sự tôn trọng của xã hội…

Vậy làm cách nào để quay về lại truyền thống “Tôn sư trọng đạo” như trước đây, tức là đưa người thầy về lại vị trí được xã hội tôn kính như trước? Đây là câu hỏi khó vì thời đại bây giờ khác ngày xưa. Nhưng sẽ làm được nếu chúng ta có những người thầy giỏi, có đạo đức và yêu thương học trò. Thử nhìn trong xã hội hiện tại, những người thầy như thế vẫn được học trò yêu kính, được gia đình nể trọng, được xã hội tôn vinh. Do đó muốn quay về lại một xã hội “Tôn sư trọng đạo” thì phải có những người thầy đúng là “thầy”.

Nhà giáo này khẳng định: Đầu tiên “văn hóa phong bì” không do từ trong ngành Giáo dục sinh ra mà do ảnh hưởng từ bên ngoài, từ những ngành khác hay từ xã hội. Nó xuất phát từ cách người ta trả ơn bằng quà, sau dần biến tướng thành trả ơn bằng phong bì, rồi lan rộng ra ở mức không phải là trả ơn nữa mà có thể là nhờ vả, là dịp lễ tết, là để yên tâm… thì phong bì sẽ xuất hiện.

Hiện tại, văn hóa phong bì đã trở nên phổ biến, đến mức trở thành thói quen và nếu không có phong bì thì người ta sẽ khó chịu (cả người đưa và người nhận). Còn nếu ai đó không đưa hoặc không nhận thì sẽ trở nên lạc lõng, thậm chí bị đặt câu hỏi là tại sao không cho, không nhận.

Giáo viên trẻ thường là những giáo viên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và họ thực sự cần tiền. Khi mới bước vào nghề, có thể họ còn e ngại đối với văn hóa phong bì, nhưng sau đó sẽ dần quen. Một phần vì họ thấy có vẻ chuyện này là bình thường khi xung quanh ai cũng thế, một phần là vì họ không đủ bản lĩnh để thắng sự cám dỗ, một phần là do người đưa tìm cách nói và làm thế nào để giáo viên họ nhận. Tất nhiên, người đưa thì đủ khôn ngoan để tìm ra cách thuyết phục giáo viên, biết cách nói làm sao biến chuyện này thành chuyện bình thường.

Quay lại vấn đề quà cáp. Xuất phát của việc tặng quà là do lòng biết ơn. Ngày xưa vì biết ơn nên người ta mới tặng quà cho người thầy. Hồi đó thì món quà có giá trị tinh thần nhiều hơn là vật chất. Mà đã là tinh thần thì nó sẽ ngược hẳn với vật chất. Nếu một món quà hầu như không có giá trị sử dụng nhưng làm cho người thầy vui, hạnh phúc thì đó là món quà tinh thần, còn món quà hầu như chỉ giúp giải quyết vấn đề vật chất thì đó là món quà vật chất mà đỉnh cao món quà đó là một số tiền.

Trong thời đại ngày nay tặng quà có xu hướng kết hợp cả giá trị tinh thần lẫn giá trị vật chất để có được sự cân bằng. Người thầy khi nhận món quà vừa hiểu được sự trân trọng của người tặng vừa giúp một phần giải quyết vấn đề vật chất của mình. Do đó, người tặng nên tránh việc tặng những món quà thuần túy chỉ có giá trị về vật chất.

Quan trọng là đào tạo phẩm chất nhà giáo

Nghề giáo là một nghề khá đặc biệt khi đối tượng tương tác, làm việc chủ yếu là học sinh, tức là con người, mà là người đang giai đoạn học hỏi, phát triển. Sách, vở và những thứ vật chất khác chỉ là phương tiện để thầy trò làm việc với nhau. Nếu không thực sự yêu nghề, yêu trẻ thì nghề giáo trở nên nhàm chán nhưng đầy áp lực. Lúc đó, việc tiếp xúc thường xuyên những đứa trẻ mà giáo viên không hề thích thì làm cho giáo viên trở nên xấu xí trong mắt chúng mà thôi.

Cũng vì lẽ đó mà “yêu nghề, yêu trẻ” là một trong những phẩm chất được đòi hỏi đầu tiên đối với giáo viên. Tiếc là cơ chế tuyển giáo viên, cơ chế bồi dưỡng đội ngũ giáo viên lại không coi trọng phẩm chất này hoặc không dành chỗ đủ nhiều cho phẩm chất này. Thay vào đó là, họ tuyển lựa giáo viên dựa trên điểm số hoặc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng tập trung vào những vấn đề khác.

Những người làm công tác đào tạo giáo viên đều thấy được lỗ hổng trong việc tuyển sinh ngành sư phạm, trong chương trình đào tạo giáo viên hay là trong quá trình phát triển nghề nghiệp của giáo viên ở trường phổ thông ở chỗ không quan tâm nhiều đến phẩm chất của một người thầy. Do đó, hiện tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM cố gắng phát triển phẩm chất của sinh viên sư phạm qua các hoạt động của sinh viên hoặc lồng ghép trong các môn học.

Ví dụ, hoạt động của sinh viên thì lấy hoạt động tình nguyện làm trọng tâm, ở đó sinh viên thể hiện tinh thần xả thân vì cộng đồng. Còn trong các môn học thì luôn coi trọng các bài học về đạo đức, nhân cách. Các hoạt động nhóm trong học tập là cơ hội để sinh viên hiểu về tình bạn, về tinh thần giúp đỡ nhau trong học tập. Tất nhiên, giảng viên phải là người làm gương đầu tiên cho các em.

Phải khẳng định rằng, hiện nay đạo đức xã hội có dấu hiệu xuống cấp, trong đó có đạo đức trong ngành Giáo dục, nơi được coi là trong sáng nhất và là thành trì giữ đạo đức, chuẩn mực của xã hội. Để tìm cách cứu vãn, lập lại các giá trị đạo đức thì thử nhìn một ví dụ trong gia đình: Một gia đình giữ được các chuẩn mực đạo đức, tôn ti trật tự nếu người lớn giữ được và tôn trọng chúng. Như vậy, các thế hệ sau mới theo vậy để thành nhân và cũng sẽ tiếp tục giữ các chuẩn mực đó.

Do đó để đưa xã hội về lại xã hội với những chuẩn mực thì người lớn phải làm gương và phải tôn trọng các chuẩn mực. Còn không thì giáo dục có làm đủ thứ cũng không thể làm những thế hệ sau tôn trọng các chuẩn mực được khi mà thế hệ trước không hề tôn trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.