Văn hóa phong bì lệch lạc việc tôn vinh các nhà giáo

Văn hóa phong bì lệch lạc việc tôn vinh các nhà giáo

(GD&TĐ) - Ngày 20/11 được xem là ngày lễ đầy ý nghĩa đối với giáo giới, đồng thời cũng là ngày để cả xã hội thể hiện sự tôn vinh đối với các thầy, cô giáo – những “kỹ sư tâm hồn”. Đã thành thông lệ, trong ngày lễ kỉ niệm này, phụ huynh và học sinh thường đến thăm nhà các thầy cô.

Đi kèm với những lời chúc tốt đẹp là bó hoa tươi thắm và món quà nhỏ để kính tặng thầy cô. Cùng với thời gian, những thay đổi trong đời sống xã hội khiến cho việc tặng quà trong Ngày nhà giáo cũng có những thay đổi, biến tướng. 

Còn nhớ, những năm 80, 90 của thế kỉ XX, món quà thường được lựa chọn trong Ngày nhà giáo là những vật dụng gia đình như: Bộ ấm chén, cái phích, lọ hoa… Ngày nay, ngày càng có nhiều phụ huynh, học sinh tìm đến nhà thầy cô với bó hoa lấp ló chiếc phong bì bên trong với suy nghĩ: Không biết thầy, cô thích gì, thiếu gì! Thôi đành… phong bì cho gọn và tiện. Cách tặng phong bì cho thầy cô cũng “muôn hình vạn trạng”. 

Những phụ huynh có con nhỏ theo học ở bậc học mầm non, tiểu học thì thường cất công tìm đến tận nhà thầy cô. Nếu chưa gặp, chưa đưa được phong bì thì còn chưa yên tâm ra về. Ở các cấp học lớn hơn, những gia đình có điều kiện, phụ huynh thường “đi riêng”, còn phần lớn học sinh ở bậc THCS và THPT “góp tay” mua quà hoặc bỏ phong bì. Do chưa đủ độ “chín” về vốn sống và phông văn hóa nên việc tặng quà của một số học sinh còn lắm nhiêu khê, thiếu tế nhị thậm chí gây phản cảm. 

Người viết bài này đã từng trực tiếp chứng kiến cảnh bên trong phòng họp hội đồng, thầy cô đang sôi nổi tọa đàm, rôm rả bình văn thơ nhân ngày lễ hiến chương, còn bên ngoài cửa sổ, nơi cửa ra vào phòng họp là đại diện các lớp học sinh lấp ló chờ đưa phong bì. Chờ lâu, sốt ruột, một số em đã cất tiếng gọi cô A, thầy B ra ngoài để “xin phép gặp riêng”. 

Phản cảm hơn, có em không “nhịn” được vì đợi quá lâu, chạy xộc vào tận chỗ ngồi của giáo viên giúi vội bó hoa kèm chiếc phong bì với lời chúc ngắn gọn: “Em thay mặt lớp…chúc thầy (cô)…!” rồi chạy vội ra trước ánh mắt ngạc nhiên đến ngơ ngác của chính người nhận quà và cả những người ngồi xung quanh.

Ca dao có câu:

Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Trong thời buổi kinh tế thị trường, một số phụ huynh đã chọn cách bày tỏ “tình yêu” đối với thầy, cô giáo qua độ dày, mỏng của chiếc phong bì. Họ quan niệm lệch lạc rằng: Càng “đi” nhiều thì thầy, cô càng quan tâm chăm sóc, dạy dỗ con em mình tốt hơn. Việc làm này đã tạo ra tâm lý ỷ lại cho bản thân học sinh. Đồng thời đã góp phần gieo vào tâm hồn non nớt, ngây thơ của chúng những ý nghĩ không tốt về thầy cô của mình.

Từ bao đời nay, “tôn sư trọng đạo” luôn là một truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc, cần được giữ gìn và phát triển. Đến thăm các thầy, cô, tặng hoa kèm theo những món quà nhỏ, xinh xắn nhưng có ý nghĩa là biểu hiện của nét đẹp văn hóa đáng tự hào ấy.

Song, tặng quà gì và cách tặng như thế nào mới là điều đáng bàn. Trên thực tế, những nhà giáo có cái “tâm” thực sự với nghề nghiệp của mình tỏ ra rất ngại thậm chí là khó chịu khi nhận những chiếc phong bì từ phụ huynh, học sinh.

Sự thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ của phụ huynh, sự chăm ngoan, học giỏi và tấm lòng biết ơn, kính trọng, lễ phép với thầy cô của học sinh vẫn là món quà đáng quý hơn cả trong ngày lễ tôn vinh nhà giáo. 

Tuấn Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.