Sử dụng chiếc phong bì sao cho đúng?

GD&TĐ - "Văn hóa phòng bì", bản chất nó là nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam. Trước kia, ít khi người ta sử dụng phòng bì mà là biếu xén quà cáp lẫn nhau để chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn giữa những người thân quen, xóm làng với nhau, thể hiện tinh thần gắn bó, đoàn kết của người dân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày nay, thay vì quà cáp, người ta thường sử dụng phong bì như trào lưu phổ biến trong xã hội, vừa gọn nhẹ, vừa đáp ứng được nhu cầu của người nhận. Sử dụng phong bì phổ biến đến nỗi từ đám cưới, đám ma, mừng nhà mới, ốm đau hoặc đám chết....đều sử dụng phong bì. Bỏ tiền vào phong bì nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ tình cảm, thân quen hoặc là trả nợ lẫn nhau giữa người đưa và người nhận.

Đây là sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam, thể hiện tình cảm, "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" của người dân.

Thế nhưng, việc sử dụng phong bì không phải lúc nào cũng thể hiện đúng bản chất nhân văn của nó như tình trạng đưa phong bì để "chạy chức", "chạy quyền", "chạy" thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, "chạy" việc làm hoặc kể cả tình trạng đưa phong bì trong ngành y tế, vốn là ngành được coi trọng nhất trong xã hội.

Biến tướng của phong bì ngày nay trong mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với người dân đã trở thành "bệnh" nan y, chưa có thuốc chữa. Tình trạng sử dụng phong bì tràn lan của người dân khi quan hệ, làm việc với cơ quan nhà nước đã làm hư cán bộ, công chức, tạo nên tiền lệ xấu trong quan hệ với người dân.

Việc nhận phong bì giữa cán bộ, công chức và người dân sẽ là chuyện bình thường khi dựa trên tinh thần tự nguyện, nghĩa là người dân cảm ơn cán bộ, công chức đã thực hiện thu tục hành chính cho mình, sự cảm ơn đó không được nhầm lẫn với việc hứa hẹn thực hiện thủ tục hành chính, hay đưa phong bì trước để được giải quyết thủ tục hành chính mà là cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính với tinh thần vô tư, khách quan, không vụ lợi và nhận lại sự cảm ơn của người dân, có thể là quà biếu, phong bì hoặc chỉ là lời cảm ơn.

Tuy nhiên, việc sử dụng phong bì tùy tiện, thiếu cân nhắc vô tình đã chuyển thành mối quan hệ "xin cho" "mua bán", trao đổi có điều kiện giữa cán bộ, công chức nhà nước với người dân, đặc biệt là vi phạm pháp luật hình sự như tội nhận hối lộ hoặc đưa hối lộ được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự. Khi việc đưa và nhận phong bì bị phát giác thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định nhưng đã gây hậu quả nghiêm trọng là xói mòn lòng tin của người dân vào bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức; tạo nên sự thiếu bình đẳng giữa người dân với nhau trong mối quan hệ với pháp luật, trong khi nguyên tắc tối thượng là "mọi điều bình đẳng trước pháp luật".

Thiết nghĩ, việc sử dụng phong bì của người dân cần phải được duy trì và phát huy nét đẹp văn hóa đã có từ bao đời nay, thể hiện tình cảm, đoàn kết, gắn bó, yêu thương của người dân.

Nhưng việc sử dụng phong bì trong cơ quan nhà nước, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa người dân, tổ chức và cán bộ, công chức... ở góc độ nào đó đã có sự biến tướng, tiêu cực, bóp méo sự thật hoặc bẻ cong công lý... Do đó, cần nghiêm cấm việc đưa và nhận phong bì trong mối quan hệ giữa người dân với cán bộ, công chức nhà nước hoặc giữa cán bộ, công chức trong cùng hệ thống các cơ quan nhà nước, nếu việc đưa và nhận đó với mục đích "chạy chọt", "xin xỏ" hoặc bỏ qua hành vi vi phạm pháp luật...

Có như vậy, việc sử dụng chiếc phong bì sẽ trở về với nét đẹp vốn có của nó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.