Cần tạo môi trường, hứng thú cho học sinh khi ôn thi môn Ngữ văn

GD&TĐ -  Theo cô Thái Thị Lương, quá trình học môn Ngữ văn phải kiên trì, tập trung và có phương pháp học phù hợp.

Học sinh Trường THPT DTNT N’Trang Long (tỉnh Đắk Lắk).
Học sinh Trường THPT DTNT N’Trang Long (tỉnh Đắk Lắk).

Chăm chỉ, chịu khó

Cô Thái Thị Lương – tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT DTNT N’Trang Long (tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: “Môn Ngữ văn trong quá trình ôn thi, học sinh lớp 12 nên có phương pháp ôn tập riêng sao cho phù hợp với bản thân, loại bỏ áp lực, suy nghĩ là môn phải học thuộc. Bên cạnh đó, các em cần nắm chắc kiến thức cơ bản, sau đó tự mình hệ thống lại kiến thức bằng sơ đồ tư duy như vậy sẽ giúp bản thân nhớ nhanh, lâu hơn. Học sinh có thể vẽ sơ đồ vào cuốn sổ tay nhỏ đem theo bên mình, khi rảnh rỗi xem lại.

Việc nhớ kiến thức môn Ngữ Văn không hề khó, quan trọng là bạn phải kiên trì, tập trung, nghiêm túc học tập. Quá trình học, nên thực hành làm các dạng đề khác nhau như vậy khi thi thật có tiếp cận với dạng bài mới sẽ không bị bỡ ngỡ, bối rối trong khi làm bài”.

Cô Lương cho biết thêm: “Ngoài học trên lớp khi tự học, các em có thể tham khảo, nghe lại bài của các thầy cô dạy trực tuyến để gia cố kiến thức, chọn lọc được phương pháp riêng. Bất kỳ môn học nào cũng vậy, khi bản thân chăm chỉ rèn luyện kĩ năng làm bài sẽ giúp các em hệ thống lại kiến thức một cách hiệu quả”.

Đi sâu vào hướng dẫn về cách làm các bài văn Nghị luận văn học và Nghị luận xã hội, cô Lương nói: “Đối với phần Nghị luận xã hội, đề thi thường không viết thành bài mà viết đoạn văn với dung lượng bao nhiêu chữ đó. Theo đó học sinh cần phải làm đầy đủ các phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Đối với câu viết đoạn, các bạn cần nắm được các dạng đoạn văn thường gặp như nghị luận về một đạo lý, hiện tượng xã hội, thông điệp rút ra từ văn bản đọc hiểu.

Quá trình viết cần lồng ghép các dẫn chứng, liên hệ thực tế sẽ tạo thiện cảm, ấn tượng tốt với người đọc, không dùng một dẫn chứng cũ, đã quá nhiều người biết trước đó sẽ tạo sự nhàm chán, đơn điệu.

Với đề văn Nghị luận văn học đề thường yêu cầu nghị luận về một đoạn thơ/bài thơ (nhất là nghị luận về một đoạn trích thơ); Nghị luận về một đoạn trích/tác phẩm văn xuôi (nghị luận về một đoạn trích /nhân vật/chi tiết/tình huống truyện…); Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học; Nghị luận về một khía cạnh nội dung, nghệ thuật của tác phẩm văn học.

Để đạt kết quả tốt nhất ở câu Nghị luận văn học, các em nên nhóm các tác phẩm (cả khía cạnh nội dung tác phẩm) theo đề tài, chủ đề, giai đoạn văn học, theo tác giả, khuynh hướng (lãng mạn, hiện thực, sử thi...), trào lưu, theo thể loại (trữ tình - tự sự - kịch - nghị luận)”.

Cô trò Trường THPT DTNT N’Trang Long (tỉnh Đắk Lắk).

Cô trò Trường THPT DTNT N’Trang Long (tỉnh Đắk Lắk).

Cách để không đi theo lối mòn

Để bài làm không đi theo lối mòn, văn mẫu cô Lương cho rằng: “Học sinh cần chú ý cách làm các dạng đề nghị luận văn học, biết vận dụng kiến thức nền tảng để giải quyết yêu cầu của đề ra.

Khi thực hành viết bài, giáo viên cần khuyến khích đưa ra những cách hiểu, suy nghĩ khác, hướng giải quyết khác, hợp lí cho một vấn đề, giáo viên cần có lời khen phù hợp để động viên, khích lệ khi học sinh có bài viết tốt”.

Theo cô Lương: “Điều quan trọng trong dạy học Ngữ văn chính là việc truyền cảm hứng, niềm say mê văn chương cho người học, trong đó có việc tạo tâm thế tiếp nhận môn học và bài học cho học sinh.

Giáo viên cần phải trở thành những “nghệ sĩ” trên bục giảng, giờ học có thể mở đầu bài học bằng việc hát một câu hát, câu hò; kể một câu chuyện ngắn; chia sẻ những cảm xúc của bản thân về cuộc sống… liên quan đến chủ đề bài học sắp giảng dạy. Đồng thời, có thể tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi ô chữ, sân khấu hoá các tác phẩm văn học để giúp học sinh hứng thú hơn.

Ngoài ra, để tạo hứng thú, đam mê văn chương cho học sinh, nhà trường và giáo viên giảng dạy cần tổ chức các câu lạc bộ, các chuyên đề thảo luận, ngoại khóa nhằm tăng cường khả năng tranh luận, khả năng giao tiếp, ứng xử của các em học sinh; tránh tình trạng chỉ học lý thuyết suông làm cho việc học không gắn với thực tiễn, dễ gây nhàm chán cho người học”.

“Nghiên cứu tài liệu, đọc sách báo giúp học sinh chọn lọc ngôn ngữ và bổ sung những kiến thức, kỹ năng cho phần nghị luận xã hội. Nhưng chỉ nên tham khảo vào những lúc cần thiết, tránh lạm dụng vào nó quá nhiều. Chỉ cần chú ý những sự kiện mới trong xã hội thông qua báo đài, truyền hình, mạng internet, xem qua một vài tin tức xã hội trong và ngoài nước để tìm hiểu thêm những thông tin mới mẻ, sẽ giúp ích hơn rất nhiều”, Cô Thái Thị Lương – tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT DTNT N’Trang Long (tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ